Không chỉ buôn lậu qua đường hàng không, những chiếc “táo khuyết” cũng được thẩm lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch tại các biên giới. Đặc biệt, tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), không khó để bắt gặp những gian hàng bày bán công khai các sản phẩm iPhone nhái đủ loại, trong đó có màu đỏ mới nhất mà hàng chính hãng còn chưa xuất hiện tại Việt Nam với giá thấp hơn giá niêm yết của hãng nhiều lần.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội facebook, zalo, hiện không khó để có thể mua được một chiếc “táo đỏ” qua các gian hàng ảo. “Hàng xách tay chính hãng”, “Hàng chính hãng giá rẻ, bảo hành, chất lượng”… được các chủ hàng rao bán công khai. Chỉ cần khách đặt hàng, chuyển khoản và chờ ít ngày sau sẽ được giao sản phẩm tận tay. Miễn đủ tiền, khách muốn có bao nhiêu hàng cũng có. Mặc dù quảng cáo là như vậy, nhưng chất lượng cũng như việc bảo hành cho những chiếc “táo khuyết đỏ” này lại mù mờ như chính xuất xứ của chúng.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường (văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nay theo quy định của pháp luật nước ta, điện thoại di động (hàng hóa) được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua con đường hợp pháp phải chịu một số loại thuế nên khi đến tay người tiêu dùng sẽ có mức giá chênh lệch khá cao so với mức giá do nhà sản xuất niêm yết. Chính sự chênh lệch giá trị cao này là mảnh đất màu mỡ mà các đối tượng buôn lậu hướng tới.
Đối với việc xử lý các hành vi buôn lậu hàng hóa, pháp luật Việt Nam hiện hành quy định người thực hiện hành vi buôn lậu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 153 BLHS về Tội buôn lậu với mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân. Trong trường hợp việc buôn lậu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi buôn bán hàng hóa trái phép qua biên giới cũng có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BTC Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Đối với vụ việc buôn lậu điện thoại iPhone đỏ tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài ngày 29/3 vừa qua, giá trị tài sản buôn lậu ước tính lên tới 3 tỷ đồng, người thực hiện hành vi buôn lậu này có thể bị truy tố về Tội buôn lậu theo khoản 4 Điều 153 BLHS với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân, ngoài ra còn có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Qua đó có thể thấy, không phải do chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe khiến tình trạng buôn lậu điện thoại di động hiện nay ngày càng gia tăng. Vấn đề này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết, do sự chênh lệch giá lớn, đồng thời việc sẵn sàng chi tiền của khách hàng dù biết đây là hàng xách tay (buôn lậu) càng khiến nhiều người vì hám lợi mà vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Hơn nữa, đặc thù của điện thoại di động vốn nhỏ gọn nên rất thuận tiện cho người phạm tội dễ dàng vận chuyển, qua mắt các cơ quan chức năng. Chính sự khó kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển cũng là một trong các nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu điện thoại ở nước ta hiện nay ngày càng gia tăng.
Khó khăn trong việc đấu tranh, xử lý Trong cuộc họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới năm 2016, ông Nguyễn Phi Hùng (Cục trưởng cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) cũng bày tỏ sự lo ngại khi thời gian qua, các đối tượng buôn lậu qua đường hàng không, đường bộ, đường biển đang có những diễn biến khá phức tạp. Trong số những mặt hàng được các đối tượng buôn lậu “ưu ái”, không loại trừ các mặt hàng điện tử, đặc biệt là điện thoại di động có giá trị lớn. Nguyên nhân là do lợi nhuận cao, chênh lệch lớn về giá giữa hàng hóa trong và ngoài nước. Chính vì vậy, công tác đấu tranh, phòng chống các đối tượng buôn lậu cũng rất khó khăn. |
Xuân Khải - Đỗ Huệ