PV báo điện tử Người Đưa Tin đã được nghe họa sĩ Nguyễn Đình Hợp trải lòng về con đường nghệ thuật vẽ tranh nude anh đang theo đuổi cũng như những câu chuyện dở khóc dở cười mà một họa sĩ vẽ tranh nude đã trải qua.
Anh có thể chia sẻ một chút về cơ duyên đến với nghệ thuật vẽ tranh nude?
Nói là cơ duyên thì nó hơi lãng mạn, chỉ đơn giản là cá nhân tôi thích vẽ tranh nude, thích một cách cuồng nhiệt với cơ thể của phụ nữ, nên tôi đã chấp nhận mọi thứ để theo nghệ thuật vẽ tranh nude. Tôi xác định, vẽ tranh nude không phải để kiếm sống, nhất là thể loại tranh nude khá kỹ như tranh của tôi. Khi nhìn vào nhiều người còn giật mình, thẹn vì nó thực quá. Nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ. Đầu tiên tôi xác định vẽ vì niềm yêu thích, vẽ phải chinh phục, sau đó sẽ vẽ cho bằng được, bằng đẹp và bằng nghệ thuật. Tôi không nghĩ về tiền, danh tiếng, tai tiếng… chỉ đơn giản vì tôi thích nên mới đào sâu.
Khi bước chân vào con đường nghệ thuật vẽ tranh nude anh đã phải trải qua những khó khăn gì?
Có rất nhiều khó khăn mà tôi đã phải tự mình trải qua, khách quan có, chủ quan có, nhất là vấn đề dư luận. Những ngày đầu tôi mới mở xưởng, thuê người mẫu đến liền bị hàng xóm nhòm ngó. Họ không nói với mình mà mang câu chuyện đi kể với cả thiên hạ. Khi tất cả mọi người đều biết và hiểu theo một hướng khác thì mọi chuyện đã đi quá xa. Có người nghi ngờ, phê phán tôi đang chứa gái mại dâm, hành tung mờ ám.
Xưởng của họa sĩ nào cũng cần yên tĩnh, phải đóng cửa để có không gian làm việc riêng. Nhưng ở ngoài họ tưởng bên trong có điều gì đó bí ẩn, họ đã báo chính quyền đến làm việc.
Thậm chí, họ còn bàn tán vì sao sáng có một cô gái đến, tôi lại đóng kín cửa, chẳng biết đang làm gì. Đến trưa thì thấy cô gái đó đến, chiều lại về. Có người còn tò mò nhòm trộm qua khe cửa.
Gặp phải những áp lực dư luận lớn như vậy anh đã làm thế nào để vượt qua?
Khi hàng xóm báo chính quyền đến vì nghi ngờ tôi đang làm điều gì mờ ám, tôi đã rất bình tĩnh và trình bày công việc mình đang làm. Bằng nghiệp vụ nghề nghiệp, trải nghiệm của mình tôi phân tích cho họ hiểu rằng đây là công việc của tôi, nó hơi tế nhị, nhưng vì việc mang tính chất nghệ thuật thì phải như vậy, phải chấp nhận những nghi hoặc của người ngoài nghề và đôi khi cả những người trong nghề. Khi mình đủ cơ sở để phản bác lại thì những dị nghị sẽ trở thành vô nghĩa.
Tôi cho rằng, những đánh giá của dư luận, ngoài vấn đề đạo đức nghề nghiệp nó còn liên quan đến quyền lợi của người làm nghề. Nếu mình im lặng họ sẽ nghĩ mình có vấn đề, nên cần phải đả thông tư tưởng. Nếu họ không tin, tôi mời họ lên xưởng xem, không ngại ngần, giấu giếm. Vì làm được điều này mà đến giờ không còn những ý kiến tiêu cực bủa vây tôi nữa.
Quyết định theo con đường nghệ thuật đầy tế nhị này, anh có vấp phải ý kiến phản đối của gia đình?
Gia đình tôi khác gia đình khác, bởi từ xưa đến nay phong cách, phong thái của tôi đã đủ chinh phục họ. Nên khi tôi vẽ những thứ có thể khác lạ với những người xung quanh nhưng đối với gia đình tôi thì lại hoàn toàn coi đây là điều hết sức bình thường.
Ngay cả 2 đứa con tôi cũng vậy, tôi cho rằng các con cần phải hiểu một cơ thể phụ nữ có điểm như thế nào để tránh sự tò mò ở lứa tuổi dậy thì, không hiểu dễ sinh dục cảm.
Vợ anh có bao giờ lên tiếng hay nghi ngờ về công việc của anh?
Có chứ, vợ tôi đã từng nghi ngờ, sợ tôi không vượt qua được cám dỗ. Nhưng cô ấy cũng hiểu, từ khi ra trường tôi từng vẽ nude. Khi bắt đầu quen biết nhau vợ tôi đã biết được công việc của tôi như thế. Có điều tôi giải thích hời hợt nên cô ấy dễ hiểu lầm. Khi yêu và lấy nhau rồi tôi đã nói cặn kẽ hơn rằng: Giữa họa sĩ và một cô người mẫu đều có một khuôn khổ nhất định… Và tư cách làm nghề không cho phép họa sĩ vượt qua chuẩn mực đạo đức. Thời gian đã chứng minh cho vợ tôi thấy tôi hoàn toàn không bị cám dỗ.
Nhiều người cho rằng, họa sĩ vẽ tranh nude đang sống trong một môi trường đầy cám dỗ, vậy giữa người mẫu và họa sĩ có quy tắc ngầm gì để kiểm soát hành vi và vượt qua được những áp lực dư luận?
Một họa sĩ khi vẽ 1, 2 bức tranh nude thì không cần hợp đồng với mẫu nude, nhưng với một họa sĩ khi đã xác định làm việc một cách chuyên nghiệp, thì họa sĩ và người mẫu cần có những ràng buộc nhất định để tránh tác phẩm bị dừng giữa chừng. Như hợp đồng về lương, thời gian về những khoảng cách, trong hợp đồng phải ghi rõ quyền lợi của họa sĩ cần làm gì, vẽ và trình mẫu. Còn quyền lợi người mẫu như thế nào, đều có cam kết.
Và họa sĩ phải giải quyết được những vấn đề dư luận và ham muốn tức thời. Đừng để trong đầu có sự giằng co giữa nghệ thuật và dục vọng. Khi loại bỏ đi được những thứ đó thì sẽ có một tác phẩm đầy tính nghệ thuật.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Xem video: Nghe họa sĩ vẽ tranh nude trải lòng:
Mai Thu