1. Ngành GTVT phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% vốn đầu tư công được giao
Năm 2024, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn 56.666 tỷ đồng. Quá trình thực hiện, Bộ được bổ sung 18.815 tỷ đồng, nâng tổng kế hoạch vốn năm nay của cả ngành giao thông là 75.481 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 11/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 52.750 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch đã được giao, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023, giải ngân đạt khoảng 75%). Tuy nhiên, con số này vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (ở mức 60,4%).
Đến hết năm tài chính 2024, Bộ GTVT đặt mục tiêu phải giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao theo chỉ đạo của Chính phủ.
2. Cả nước đã có hơn 2.000 km đường bộ cao tốc
Trong năm 2024, với việc đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với tổng chiều dài 693km, cả nước đến nay đã có 2.021km đường cao tốc.
Các công trình được triển khai và hoàn thành đã nhanh chóng phát huy giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics…
3. "Chốt" thời hạn về đích của Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có đến 3 lần trực tiếp có mặt kiểm tra hiện trường, đôn đốc dự án sân bay quốc tế Long Thành (dịp Tết năm 2024, tháng 9/2024 và tháng 12/2024).
Trong lần thứ 5 kiểm tra, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, yêu cầu phải khẩn trương đẩy tiến độ các dự án thành phần, đảm bảo đưa sân bay Long Thành về đích vào 31/12/2025.
Đây là dự án sân bay lớn nhất của nước ta từ trước đến nay, dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Việc đẩy nhanh và hoàn thành dự án vì vậy có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với ngành GTVT mà còn đối với sự phát triển của cả nước.
4. Hai dự án đường sắt đô thị "về đích"
Ngày 8/8/2024, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dài 8,5km chính thức được đưa vào khai thác thương mại sau gần 15 năm triển khai xây dựng.
Đến ngày 22/12/2024, tuyến đường sắt đô thị số 1 Tp.HCM đoạn Bến Thành - Suối Tiên cũng chính thức được đưa vào vận hành sau 17 năm chờ đợi.
Việc 2 dự án trên "về đích" đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng và hiệu quả của người dân, góp phần giảm thiểu áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, sau 2 dự án này, Hà Nội và Tp.HCM vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều để tiếp tục thúc đẩy các dự án đường sắt đô thị còn lại trong quy hoạch tổng thể.
5. Thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Ngày 30/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong cuộc cách mạng phát triển hạ tầng của Việt Nam sau gần 2 thập kỷ nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư một cách công phu, bài bản và kỹ lưỡng.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có độ dài khoảng 1541 km, được đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD. Quốc hội đặt mục tiêu phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.
6. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp
Như vậy, 11 tháng của năm 2024, toàn quốc xảy ra 21.691 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 10.026 người, bị thương 16.103 người. So với 11 tháng năm 2023, tai nạn giao thông tăng 1.163 vụ (5,67%), giảm 859 người tử vong (7,89%), tăng 1.906 người bị thương (13,43%).
Đặc biệt, trong năm xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Hòa Liên do xe ô tô khách 40 chỗ ngồi va chạm với xe tải đang dừng đỗ bên đường làm 2 người chết và 9 người bị thương (3/2024).
7. Ngành GTVT có Tư lệnh mới
Ngày 28/11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Trần Hồng Minh.
Ông Minh thay thế ông Nguyễn Văn Thắng được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng trong kỳ họp thứ 8.
8. Giao thông xanh ngày càng phổ biến và có tốc độ lan tỏa nhanh chóng
Trong năm 2024, xu hướng giao thông xanh ngày càng trở nên phổ biến và có tốc độ lan tỏa rất nhanh chóng. Minh chứng cụ thể nhất là sự bùng nổ của thị trường xe điện, thể hiện qua doanh số bán hàng và sự quan tâm của người tiêu dùng.
Thị trường xe điện tại Việt Nam ngày càng sôi động khi có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất ô tô với các chính sách thúc đẩy bán hàng. Các hãng bắt "trend" gia tăng dịch vụ xe điện với người tiêu dùng như taxi, xe ôm, giao thức ăn, thuê xe qua app.
9. Tỉ lệ đúng giờ của ngành hàng không trượt dài xuống đáy, giá vé máy bay nội địa tăng cao
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính chung trong 11 tháng năm 2024, bình quân số chuyến bay cất cánh đúng giờ của toàn ngành hàng không đạt tỉ lệ 73,7%. Tức là cứ 4 chuyến bay cất cánh thì có hơn 1 chuyến bay là chậm, hủy. Con số trên cho thấy tỉ lệ đúng giờ của ngành hàng không hiện tại đang ở điểm rơi thấp nhất suốt giai đoạn 5 năm vừa qua.
Cũng trong năm qua, giá vé máy bay trong suốt một thời gian dài liên tục ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu hụt đội tàu bay do việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng.
Việc giá vé máy bay tăng cao đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, giảm lượng khách du lịch nội địa đi bằng đường hàng không, giảm doanh thu ngành du lịch…
10. Sập cầu Phong Cầu
Khoảng 10h sáng ngày 9/9/2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết, cầu Phong Châu tại km18+300 quốc lộ 32C (kết nối 02 huyện Tam Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 02 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).
Sự việc là một phần minh chứng cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3 (bão yagi) đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống giao thông nói riêng.
Với tính chất nghiêm trọng của sự việc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho phép thực hiện dự án xây dựng Cầu Phong Châu mới theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp và yêu cầu phải hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2025
Ngày 21/12/2024, sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới đã chính thức được khởi công.