Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn ngành nông nghiệp trong năm 2024

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn ngành nông nghiệp trong năm 2024

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 2, 23/12/2024 09:28

Năm 2024 đánh dấu một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành nông nghiệp Việt Nam với những thành tựu xuất khẩu ấn tượng. Cùng Người Đưa Tin nhìn lại một số sự kiện nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm vừa qua.

Trải qua năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đối diện với không ít thách thức, từ những khó khăn trong xuất khẩu đến các vấn đề thiên tai và cần thiết phải cải cách để phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là năm đánh dấu những nỗ lực vượt qua khó khăn và tiếp tục định hình một hướng đi mới cho ngành, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra thế giới.

1. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 62,4 tỷ USD

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.

Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 12,3 tỷ USD (11 tháng 2024); Trung Quốc đứng thứ hai với 12, 2 tỷ USD; tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn ngành nông nghiệp trong năm 2024- Ảnh 1.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt mức cao kỷ lục 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023.

2. Toàn ngành có 11 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Trong một năm tăng trưởng ấn tượng cả về sản xuất và xuất khẩu, ngành nông nghiệp ghi nhận 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,8 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD.

Xét về tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều đạt 2 con số: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.

3. Siêu bão Yagi gây ra nhiều thiệt hại nặng nề

Tháng 9/2024, bão Yagi đổ bộ vào khu vực miền Bắc vào tháng 9/2024, gây ra mưa lớn và lũ quét tại nhiều tỉnh, đặc biệt là vùng trung du và miền núi phía Bắc như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, và Yên Bái. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 81.703 tỷ đồng

Các đợt mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng sạt lở đất và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 63.350 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.242 ha cây ăn quả bị hư hại; 190.230 ha rừng bị thiệt hại; 36.310ha và 11.835 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 44.500 con gia súc, trên 5,7 triệu con gia cầm bị chết.

Đê điều, thuỷ lợi đã xảy ra 803 sự cố đê điều tại 15 tỉnh, thành phố ; 2.283 công trình thuỷ lợi, 1.318 công trình nước sạch bị hư hỏng...

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn ngành nông nghiệp trong năm 2024- Ảnh 2.

Tháng 9/2024, bão Yagi đổ bộ vào khu vực miền Bắc vào tháng 9/2024, gây ra mưa lớn và lũ quét tại nhiều tỉnh, đặc biệt là vùng trung du và miền núi phía Bắc..

4. Ký kết 3 nghị định thư xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc

Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, chiều 19/8/2024, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư.

Trong đó, bao gồm Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

5. Kế hoạch hợp nhất Bộ NN&PTNT và Bộ TNMT

Tháng 12/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã triển khai kế hoạch hợp nhất với mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc hợp nhất này nhằm giảm số lượng đầu mối, sắp xếp lại các đơn vị, qua đó tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan.

Dự kiến, sau hợp nhất, số lượng cục, vụ và các đầu mối sẽ giảm đáng kể, tạo điều kiện cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý. Hiện nay, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất đã hoàn thiện Dự thảo "Đề án hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn", cùng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ mới.

Các bước tiếp theo sẽ được triển khai theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, đánh dấu bước tiến mới trong cải cách hành chính và quản lý tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực.

6. Ra mắt sàn thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản tại Việt Nam

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) công bố ra mắt sàn Thương mại điện tử nongsan.buudien.vn- nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam do Vietnam Post làm chủ về công nghệ và vận hành.

Đây là sàn thương mại điện tử dành riêng cho nông sản hướng tới tiêu thụ nông sản bền vững, kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu rủi ro ùn ứ sản phẩm.

Đồng thời, thông qua việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, nông sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận và xây dựng niềm tin không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, sàn giao dịch này hỗ trợ người nông dân tiếp cận công cụ số, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Góc nhìn Người Đưa Tin: Những điểm nhấn ngành nông nghiệp trong năm 2024- Ảnh 3.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới.

7. Việt Nam nhận 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới từ giảm phát thải carbon

Tháng 3/2024, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố đã dành 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) cho Việt Nam nhằm giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng (thường được gọi là REDD+) và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác Carbon Lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới. 

Khoản chi trả này đã được chuyển cho Việt Nam do giảm được 10,3 triệu tấn phát thải carbon giai đoạn 1/2/2018 đến 31/12/2019. Khoản tiền này sẽ mang lại lợi ích cho 70.555 chủ rừng và 1.356 cộng đồng sống gần rừng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.