1. Về những rắc rối nảy sinh từ phát biểu của Guardiola, thủ môn huyền thoại thẳng thắn: “Đây là vấn đề cá nhân nên tôi không bình luận”. Zubi cũng nhắc lại những điều Pep từng nói với mình: “Guardiola bảo rằng chúng ta cần phải giam mình trong trung tâm huấn luyện và biến nó thành boong-ke để làm việc bởi chỉ có bóng đá mới khiến chúng ta mạnh mẽ hơn”. Sau một mớ hỗn độn ở Camp Nou, người ta nhận ra rằng Zubizarreta là người ít ồn ào nhất và là một trong số ít những người vẫn giữ được cái đầu lạnh.
Pep đã tự mình khơi ra cuộc chiến ở Camp Nou
Thực ra Zubi đã từng là một kẻ ồn ào, điển hình là vụ Hesperia Mutiny mà ông nhắc tới. Zubi chính là người tham gia tích cực vào vụ kỳ án được xem như một vết nhơ lịch sử. Năm 1988, các cầu thủ Barca tập hợp tại khách sạn Hesperia để đình công đòi chủ tịch Lluis Nunez từ chức. Nguyên nhân là bởi họ bất mãn với khoản tiền thưởng cho chức vô địch Cúp Nhà Vua. Vụ việc bị vỡ lở và các culé vô cùng phẫn nộ. Chủ tịch Nunez khi ấy đã “trảm” gần hết đội hình chính, ngoại trừ Zubi được giữ lại bởi đã công khai xin lỗi. Zubi sau đó trở thành hạt nhân quan trọng trong “Dream Team” của Johan Cruyff. Trải nghiệm từ lần “chết hụt” ấy giúp Zubi có được sự điềm tĩnh trong công việc sau này.
2. Tiếc cho Barca khi những “yếu nhân” của họ không giữ được sự điềm tĩnh như Zubizarreta. Lẽ ra cần phải “đóng cửa bảo nhau”, họ lại lôi nhau lên mặt báo để mà công kích hệt như những chiêu tạo scandal để đánh bóng của giới showbiz. Đầu tiên phải kể đến Tito, người đã hiếu chiến một cách rất trẻ con khi phản pháo Pep trước báo giới. Tito tranh luận về việc Pep có đến thăm mình hay không. Tito dằn dỗi vì “Pep không đến thăm tôi dù tôi cần ông ấy”, vì “bạn bè rất lo cho tôi, có người còn đáp máy bay tới thăm hỏi”, vì “có lẽ Pep cảm thấy không cần thiết phải thăm tôi”, vì “Pep khích lệ tôi hãy làm HLV Barca nhưng khi tôi nhận ghế ông ấy lại lìa bỏ tôi”… Kiểu hờn giận như cô gái giận bạn trai ấy khiến không ít người phải bật cười.
Suốt những năm tháng làm việc ở Barca, Tito luôn xây dựng hình ảnh một người đàn ông lạnh lùng, trầm lặng nhưng thực tế không hẳn vậy. Tito cũng rất hiếu chiến, thể hiện qua màn “chào hỏi” khi Mourinho vừa tới Real. “Tôi không thích Mourinho bởi ông ta chẳng bao giờ nói về bóng đá”, Tito nói trên tờ La Vanguardia năm 2010. Một năm sau Mou dính vào vụ “thọc mắt” tai tiếng mà Tito là nạn nhân nhưng cũng là tòng phạm bởi những ngôn từ, cử chỉ khiêu chiến.
Tito cũng trở thành một người bụng dạ hẹp hòi trong vấn đề của Thiago Alcantara. Ông “dìm hàng” tiền vệ 22 tuổi: “Thiago phải cạnh tranh với Xavi, Iniesta, Cesc và mùa trước họ hầu như không chấn thương, trong khi cậu ấy nghỉ đến 18 trận”. Tito cũng chủ động đến sân tập muộn để tránh mặt Thiago khi cầu thủ này đến chào từ biệt để đến Bayern.
3. Pep có lỗi khi nhỏ giọt dầu xuống mặt hồ, nhưng vệt dầu lan rộng ra là lỗi của lãnh đạo Barca mà cụ thể là Rosell. Ở địa vị của mình, vị chủ tịch có gương mặt “khó ưa” lẽ ra cần im lặng và ủy quyền cho phát ngôn viên hơn là trịnh trọng lên truyền hình phản bác. Và nếu như Pep tấn công trực diện, Rosell lại cho thấy sự nhỏ nhen với những lời bóng gió.
Trong ba năm ngồi ghế chủ tịch, Rosell đã không ít lần ra những quyết định không mấy “đại trượng phu” mà điển hình là quyết định bãi nhiệm chức chủ tịch danh dự của Johan Cruyff do thù hằn cá nhân. Rosell lại vừa mới chế giễu Cruyff: “Ở Barca hiện nay, nhiều người không thích ông ấy”. Ông chủ tịch này có lẽ không hiểu rằng cái tên Rosell sẽ bị quên ngay sau khi hết nhiệm kỳ, còn tên tuổi của “thánh Johan” sẽ sống mãi.
Theo Thể thao Văn hóa