Chỉ một chữ “Sến” cũng đủ để gây nhiều chuyện bất bình, thậm chí còn khiến người ta phải đỏ mặt tía tai vì tranh cãi.
Một bức thư tình mùi mẫm với những lời lẽ như “… đêm nay trăng thượng tuần lên cao, anh nhớ em vô vàn, em có biết chăng em một kẻ si tình đang độc hành trong đêm lạnh lẽo?” sẽ bị cho là “thư viết theo kiểu… sến”. Nhiều người cho rằng tán gái theo kiểu sỗ sàng “Em đi đâu đó cho anh theo cùng?”cũng là một cách tống tình theo kiểu… sến. Cô gái áo quần lòe loẹt có tông màu xanh đỏ chỏi nhau thế nào cũng bị xem là “diện theo kiểu… sến”.
Bước sang hội họa, họa sĩ Trịnh Cung lại khẳng định, "Trong tranh vẫn có "sến" chứ! Ví dụ như tranh của họa sĩ Lê Trung trước đây. Ông thường vẽ phụ nữ ngực tròn, mặc áo bà ba đội khăn hoặc nón rất Sài Gòn. Nói chung là bình dân…”. Tranh vẽ của Lê Trung (1) thường xuất hiện trên các báo “lá cải” như Phụ nữ Diễn đàn, Sài Gòn Mới… và dĩ nhiên những tạp chí này cũng được xếp vào loại báo… sến!
Tranh của họa sĩ Lê Trung
Nhưng trước hết chúng ta hãy thử tìm hiểu nguồn gốc của chữ “sến”. Cho đến nay, có rất nhiều cách giải thích trong việc truy tầm từ nguyên. Giáo sư Cao Xuân Hạo (2) giải thích: "Theo tôi, gốc của từ ‘sến’ phải bắt đầu từ chữ ‘sen’ trong nghĩa con sen, là đứa ở, con ở […] Còn nếu ứng dụng vào văn chương, nghệ thuật thì ám chỉ khẩu vị thấp hèn, ít có giá trị.”.
Lối giải thích từ “sen” biến thành “sến” có thể tạm chấp nhận nhưng kể cũng lạ khi giáo sư Hạo theo chuyên ngành ngôn ngữ học lại dùng cụm từ “khẩu vị thấp hèn”. Thường khi nói đến “khẩu vị” người ta liên tưởng đến cái “gu” trong ăn uống chứ làm sao lại có được khẩu vị trong văn chương, nghệ thuật?
Có một cách giải thích khác, không mang tính học thuật như giáo sư Cao Xuân Hạo, mà lại dựa vào thực tế hồi đầu thập niên 60 tại Sài Gòn. Đó là thời thịnh hành của bộ phim Anh em nhà Karamazov(The Brothers Karamazov), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nga, Fyodor Dostoyevsky.
Trong phim có cảnh một vũ nữ hộp đêm vừa múa vừa hát bài Mambo Italiano theo điệu mambo – cha cha cha. Cô vũ nữ mặc y phục “nghèo nàn”, thân hình bốc lửa, tóc tai rũ rượi, gào thét và rên rỉ, quằn quại và khiêu khích… Diễn viên đóng vai vũ nữ ấy là Maria Schell trước đó chưa hề nổi tiếng nhưng nhờ màn múa đầy ấn tượng này, tên cô được quảng cáo ngang hàng với tài tử Yul Brynner của Hollywood.
Poster phim “Anh em nhà Karamazov” với Yul Brynner và Maria Schell
Phim chiếu tại các rạp ở Sài Gòn cả tháng vẫn chưa hết người xem, sau đó bắt đầu xuất hiện những người ái mộ Maria Schell. Người ta nói, cái tên Maria Schell được Việt hóa thành “Mari Sến”.
Tôi không tin là như vậy. Sến xuất hiện trong ngôn ngữ Sài Gòn ngay sau khi có cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc vào Nam năm 1954, nghĩa là trước khi phim anh em nhà Karamazov đến Sài Gòn. Trước 1954, người miền Bắc dùng từ “con sen” để chỉ người giúp việc trong khi miền Nam gọi là "ở đợ" và ngày nay còn được gọi là “Ô-Sin”.
"Sen" thường là những cô gái quê, con nhà nghèo, ít học, phải ra Hà Nội để kiếm sống bằng nghề giúp việc nhà. Sau 1954, “Sen” cũng di cư vào Nam. Ở Sài Gòn khi đó nước máy chưa được đưa tới từng nhà nên chiều chiều các cô sen lại tụ tập quanh máy nước (fontaine) để hứng nước gánh về nhà, từ đó lại đẻ thêm cái tên "Mari-Phông-tên".
Cảnh gánh nước phông-tên thời Sài Gòn xưa
Và Mari Sến hay Mari Phông-ten cũng đã đi vào thơ văn. Một nhà thơ nào đó đã không hết lời ca tụng người em Sến:
Em phải là người em Sến không
Sao môi em đỏ, ngực em phồng
Thân hình ngào ngạt mùi son phấn
Anh muốn gì em, em biết không?
Cũng có giải thích đại loại như Sến bắt nguồn từ tiếng Anh “sentimental”, có nghĩa là đa cảm, ủy mị… Tôi không tin là như vậy vì sentimental hoàn toàn không hàm ý miệt thị, chê bai còn Sến của ta lại mang đậm nét mỉa mai, châm biếm. Nói theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan: "sến" là biểu hiện những dạng thị hiếu thẩm mỹ dưới mức trung bình.
Cứ như thế, chữ “sến” bị lạm dụng trong ngôn ngữ hàng ngày để gán cho những gì thuộc loại “hạ cấp” theo suy nghĩ của người sử dụng từ ngữ. Nổi bật nhất trong lãnh vực âm nhạc là “trường phái” nhạc… sến khởi đầu từ thập niên 60 với tiết điệu boléro, rumba... Những nhạc sĩ tiêu biểu của trường phái này có thể kể đến Lam Phương, Hồ Đình Phương, Vinh Sử, Thanh Sơn…