Hiện nay, xác của chiếc máy bay Boeing 707 được đặt trong một khuôn viên rộng, nằm trên một góc của đường Hồng Hà (quận Tân Bình, TP.HCM).
Suốt nhiều năm liền, chiếc Boeing 707 được người dân biết tới với tên gọi cà phê Boeing. Do để phế nhiều năm nên người dân có ý tưởng sử dụng phần thân dưới của máy bay để mở một quán cà phê đặc biệt với giá cả bình dân.
Lai lịch về chiếc máy bay lịch sử
Nhiều chuyên gia về máy bay tại TP.HCM cho biết, chiếc máy bay Boeing 707 được hãng hàng không nổi tiếng thế giới Boeing Airplane Company của Mỹ sản xuất vào năm 1958.
Đây là chiếc máy bay dân dụng đầu tiên sử dụng động cơ phản lực của hãng Boeing, được thiết kế với nhiều tính năng ưu việt. Boeing 707 là niềm tự hào của người Mỹ khi sức chứa của nó gấp 5 lần so với những chiếc máy bay thời điểm đó.
Ngoài chức năng dân dụng, Boeing 707 còn được sử dụng trong quốc phòng. Vào thời điểm đó với một số nước có điều kiện còn sử dụng Boeing 707 để chuyên chở các nguyên thủ quốc gia với sức chứa 156 hành khách.
"Duyên số" đưa đẩy chiếc máy bay khổng lồ này đến Việt Nam là một câu chuyện không phải ai cũng biết.
Ông Hồ Văn Đào (76 tuổi, ngụ quận Tân Bình), cho hay: "Lúc đất nước mới được thống nhất, tình hình kinh tế còn khá eo hẹp, việc đưa về Việt Nam một chiếc máy bay đắt đỏ như vậy là chuyện không tưởng.
Và cho đến hiện nay, người biết rõ gốc tích của “gã khổng lồ sắt” này cũng không còn nhiều. Ngay với một số nhân viên của trung tâm Huấn luyện bay thuộc tổng công ty Hàng không Việt Nam tại TP.HCM, là cơ quan quản lý chiếc máy bay này cũng khá mù mờ về nguồn gốc của nó. Người ta chỉ biết sau khi đất nước thống nhất, chiếc Boeing 707 nay chỉ còn là cái xác và được kéo về đây cho đến tận bây giờ.
Ông Phan Tương, nguyên giám đốc Cục Hàng không dân dụng khu vực phía Nam cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, Tổng cục hàng không dân dụng Việt Nam (tên gọi cũ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam) chủ yếu sử dụng các loại máy bay dân dụng do Liên Xô sản xuất với sức vận chuyển chỉ trên 30 hành khách.
Vào lúc đó, đường bay quốc tế còn chưa được khai thác nhiều nên nhu cầu đi lại của hành khách quốc tế còn rất hạn chế. Vì vậy, việc đưa Boeing 707 về sân bay Tân Sơn Nhất là việc khiến cho không ít người ngỡ ngàng. Vậy, con đường nào đưa chiếc Boeing 707 này về Việt Nam?
Chiếc máy bay Boeing 707 tại TP.HCM.
Theo một số tài liệu cũ, chiếc Boeing 707 này đã có mặt tại Việt Nam trước ngày thống nhất khá lâu và thuộc quyền sở hữu của chính quyền chế độ cũ. Đến sát ngày giải phóng, hầu hết những chiếc máy bay lúc bấy giờ ở nước ta được bay sang các nước khu vực Đông Nam Á và để lại ở đó.
Trong đó có chiếc Boeing 707 này, và sau đó nó được tá túc tại một sân bay ở HongKong. Ông Phan Tương cho biết việc đưa Boeing 707 trở về nước là kết quả của những cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và các hãng hàng không của Mỹ thời đó, Chính phủ Việt Nam yêu cầu đưa Boeing 707 về nước vì đó là tài sản của chế độ Sài Gòn cũ nhưng không được các hãng hàng không Mỹ chấp nhận.
Nhưng vào lúc này, sau ngày thống nhất đường bay A1 của nước ta vẫn cấm các máy bay của Mỹ và Israel bay vào không phận, điều này gây rất nhiều khó khăn cho các hãng hàng không của Mỹ nếu muốn bay vào khu vực Đông Nam Á.
Trước tình hình đó, các hãng hàng không của Mỹ đã cố gắng thương thuyết với phía ta để được bay qua vùng trời Việt Nam theo Luật Hàng không quốc tế. Để được phép bay qua không phận Việt Nam, các hãng hàng không của Mỹ ngoài phải trả các loại thuế còn phải chấp nhận trao trả lại chiếc Boeing 707 đang lưu trú tại HongKong cho Chính phủ Việt Nam.
Khi chim sắt hết thời
Chiếc máy bay Boeing 707 trở về Việt Nam nhưng vào tình hình đất nước lúc đó tìm được người lái chiếc máy bay hiện đại này cũng là một chuyện nan giải.
Không rõ số phận của người lái chiếc máy bay này lúc trước là ai nhưng để lái được nó những phi công bình thường chưa có cơ hội tiếp cận chiếc máy bay này sẽ không dễ dàng điều khiển nó.
Sau nhiều lần dò tìm, ông Phan Tương mới tìm được một phi công trẻ vừa trở về nước sau những năm tháng được đào tạo tại các trường hàng không danh tiếng của Mỹ và Pháp, đó là phi công trẻ Huỳnh Minh Bon.
Một sự trùng hợp là chính người phi công trẻ này ngày trước đã từng có cơ hội lái chiếc Boeing 707 này. Trong thời gian này, chiếc Boeing 707 đã thực hiện được nhiều chuyến bay và vận chuyển nhiều quan chức Nhà nước ở phía Bắc vào tiếp quản miền Nam.
Chiếc máy bay được sử dụng một thời gian rồi sau đó không rõ vì lý do gì mà lại bị vứt bỏ. Nguyên nhân do sử dụng nhiều hay xuống cấp đến mức không hoạt động được là điều không thể.
Chị Phan Thị Hường, một người bán cà phê xung quanh cổng vào nơi lưu giữ chiếc máy bay tại quận Tân Bình cho biết: "Tôi được nhiều người cao tuổi từng ở khu vực này kể lại rằng, vào thời điểm đó linh kiện sử dụng để sửa chữa chiếc máy bay này rất khan hiếm và đắt đỏ. Vì vậy, khi chiếc máy bay này bị hư hỏng, các kỹ thuật viên ở Việt Nam không thể sữa chữa được nên nó bị xếp xó và đưa ra đây".
Nhiều người dân cao tuổi ngụ quận Tân Bình cho biết, chiếc Boeing 707 tuy không còn sử dụng được nhưng nhìn bề ngoài của vỏ chiếc máy nay vẫn còn rất chắc chắn, nhờ sử dụng kim loại sản xuất dày và bền, những thanh giảm xóc bằng thép không gỉ, những chiếc bánh xe chạy trên đường băng vẫn còn sáng bóng và tốt như mới.
Riêng phần máy móc ở bên trong đã được cơ quan chức năng tháo rời từ lâu để phục vụ cho công tác huấn luyện học viên. Dưới sải cánh khổng lồ là một khoảng râm mát, kết hợp với những tán cây trong khuôn viên sân khiến cho nơi đây trở thành một nơi lý tưởng để mở quán cà phê. Xác của chiếc máy bay vẫn còn rất tốt.
Hiện nay, chiếc máy bay Boeing 707 vẫn thu hút ánh nhìn của nhiều người hiếu kỳ khi bắt gặp. Một chiếc máy bay lừng lẫy một thời nay phải nằm yên trong một khung cảnh hoang tàn, lộn xộn, nhếch nhác.
Cách đây hai tháng, quán cà phê cóc Boeing 707 không còn buôn bán nữa vì đã có dự án trùng tu lại chiếc máy bay để làm nơi trưng bày, bán vé cho du khách đến tham quan.
Nhưng đến nay, khung cảnh trong khuôn viên lưu giữ chiếc máy bay vẫn vô cùng hỗn tạp với từng mảng tường được xây dựng tạm bợ trước kia nằm ngổn ngang dưới chân máy bay.
Nhiều người ghé đến đây để xem chiếc máy bay này cũng lắc đầu tiếc rẻ số phận của chiếc Boeing 707 một thời.
Anh Phạm Văn Hưng, một người dân sống ở gần khu vực chiếc máy bay cho biết: "Chiều nào tôi cũng dắt đứa con trai 4 tuổi ra đây ngồi chơi cho nó ngắm máy bay. Nhìn nó hoành tráng như vậy mà giờ đây gần như không còn giá trị sử dụng".
Boeing 707 là một cuộc cách mạng trong ngành hàng không Ông Phạm Minh Châu, chuyên gia nghiên cứu về các loại máy bay tại TP.HCM cho biết: "Máy bay Boeing 707 là một cuộc cách mạng trong ngành hàng không thế giới. Đây là chiếc máy bay phản lực dân dụng đầu tiên của Mỹ và nó cũng là chiếc máy bay chở khách lớn nhất lúc bấy giờ so với các hãng sản xuất máy bay khác của Pháp hay Liên Xô với tốc độ 966km/giờ, đường bay tối đa lên tới 4.828km. Boeing 707 đã mở đầu cho kỷ nguyên thống trị của hãng sản xuất máy bay Boeing trong lĩnh vực máy bay phản lực dân dụng. Hãng hàng không Pan Am đã đặt hàng cho Boeing sản xuất chiếc máy bay đầu tiên và bay chuyến bay từ Mỹ sang Pháp vào tháng 10/1958. Chiếc máy bay chuyên dụng được Tổng thống Mỹ Jonh Kennedy sử dụng là một phiên bản của chiếc Boeing 707. |
Nguyễn Việt