Gói 30 ngàn tỷ: 10 DN có tiền, chưa cá nhân nào được vay

Gói 30 ngàn tỷ: 10 DN có tiền, chưa cá nhân nào được vay

Thứ 7, 29/06/2013 07:41

Không ít chuyên gia cho rằng, còn nhiều vướng mắc khiến gói 30.000 tỷ đồng chưa giải ngân được nhiều như kỳ vọng của dư luận, là do đối tượng được hỗ trợ còn chưa trúng, chưa đúng.

Phải dựa vào các quy tắc thị trường        

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp bất động sản đang mong muốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vì được hưởng các ưu đãi, lợi nhuận dù không nhiều. Nhưng những người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở, đối tượng chính của gói hỗ trợ này lại chưa thể vay được tiền từ gói hỗ trợ. Ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế cho biết: "Hiện nay, chúng ta vướng phải nghịch lý giá nhà ở xã hội cao hơn giá nhà thương mại. Chúng ta vẫn phải dựa vào các quy tắc thị trường để phát triển nhà ở xã hội, ví dụ như có đấu giá và sự cạnh tranh trong việc làm nhà ở xã hội".

Bất động sản - Gói 30 ngàn tỷ: 10 DN có tiền, chưa cá nhân nào được vay

Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng nhà ở xã hội hiện nay nguồn cung còn ít mà những người có bức xúc về nhà ở, có nhu cầu mua nhà ngày lại càng nhiều. Vì vậy, vấn đề hiện nay đặt ra là làm sao hạ giá nhà thương mại xuống thấp hơn nữa để người dân có cơ hội mua nhà. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên giải quyết nhu cầu cho vay đối với nhà thương mại, không nên tập trung quá nhiều vào nhà ở xã hội. Đối với nhà xã hội nên ưu tiên làm nhà cho thuê, còn nhà mua nên cho vay với người mua nhà thương mại nhưng khống chế số tiền vay tối đa cụ thể là 500 triệu đồng hay 1 tỷ đồng cần quy định rõ. "Tôi cho rằng, không nên khống chế tiền cho vay mua nhà là nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội. Việc khống chế nhà thương mại trên 70m2  không được vay là không nên", ông Ngân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, những người không phải đối tượng người làm công ăn lương và không có thu nhập đều đặn khoảng từ 7,5 triệu đồng/tháng sẽ không có cơ hội sở hữu nhà ở giá thấp. Đối tượng này rất cần Nhà nước xây dựng những căn hộ cho thuê giá rẻ trong nhiều năm, để có điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở của người dân nước ta cũng phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không chỉ trong một vài năm.

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội sẽ giảm

Đối với mức lãi suất vay ưu đãi 6%/năm giữ trong 10 năm theo các chuyên gia ngân hàng là phù hợp với khả năng thanh toán của người vay. Trong trường hợp nền kinh tế suy giảm, lãi suất liên ngân hàng giảm nữa thì xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội nên căn cứ vào lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu của ngân hàng Trung ương. Tương lai, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội cũng sẽ giảm bởi nó sẽ bám theo mặt bằng lãi suất của ngân hàng Trung ương (quy định chỉ bẳng 50% lãi suất cho vay bình quân).

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Xây dựng cần phải có chính sách hướng dẫn cụ thể và có sự hỗ trợ tích cực từ các địa phương thì việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội mới thuận lợi được. Và phát triển nhà ở xã hội muốn được bền vững thì cũng phải dựa theo cơ chế thị trường.

Nỗi lo cung vượt cầu

Thời điểm này đã có trên dưới 10 doanh nghiệp vay được từ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng, nhưng chưa có cá nhân nào được vay mua nhà. Điều này, lại nảy sinh thêm một bất cập là nguồn cung cho thị trường bất động sản có thể lại tăng lên, nhưng đầu ra vẫn… giậm chân tại chỗ. Đại diện bộ Xây dựng cho rằng, gói vốn 30.000 tỷ đồng mới chỉ triển khai chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục được theo dõi, điều chỉnh và có những hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai hiệu quả.

Nguyễn My

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.