Gợi ý giải bài thi tốt nghiệp môn Văn học

Gợi ý giải bài thi tốt nghiệp môn Văn học

Chủ nhật, 02/06/2013 13:00

Sáng ngày 02/6, thí sinh cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, báo điện tử Người đưa tin xin giới thiệu đến độc giả gợi ý giải bài thi môn Văn.

Xã hội - Gợi ý giải bài thi tốt nghiệp môn Văn học

GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN NGỮ VĂN

Câu 1: Ý nghĩa của chi tiết hình ảnh Vòng hoa trên mộ Hạ Du
- Giới thiệu khái quát: Chi tiết hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du là một chi tiết nghệ thuật độc đáo, mang nhiều ý nghĩa nội dung và giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm và tài năng nghệ thuật nhà văn.

- Tái hiện chi tiết: Chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du xuất hiện ở cuối truyện ngắn Thuốc (Lỗ Tấn). Một buổi sáng thanh minh, bà mẹ Hạ Du ra thăm mộ con và ngỡ ngàng trước hình ảnh mình bắt gặp: một vòng hoa "hồng hồng trăng trắng" nằm khum khum trên nấm mộ con trai bà. Vốn là mộ của một kẻ tử tù chết chém, bị coi thường, bị khinh rẻ, bị hiểu lầm, bà vẫn đinh ninh sẽ chẳng ai thèm đoái hoài tới nấm mộ và người đã khuất. Hình ảnh vòng hoa khiến bà thực sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Trong khoảnh khắc bà không hiểu chuyện gì đã xảy ra, không biết ai đã mang vòng hoa đến đặt trước mộ con bà. Cuối cùng, trong sự xúc động đã lên đến cao trào, bà òa lên tiếng khóc thảm thiết.

- Ý nghĩa của hình ảnh:

+ Ý nghĩa nội dung:

Vòng hoa như một hình ảnh thể hiện tấm lòng ưu ái của nhà văn Lỗ Tấn đối với cuộc đời và sự nghiệp, sự hi sinh của những người cách mạng như Hạ Du. Ông yêu quý, trân trọng người chiến sĩ cách mạng ấy.

Vòng hoa cũng thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của cách mạng Trung Quốc khi đã có người thấu hiểu và cảm thông cho người chiến sĩ cách mạng. Vòng hoa cũng là dấu hiệu tốt lành, là lời khẳng định sẽ có những con người tiếp tục đứng lên làm cách mạng, tiếp bước con đường mà Hạ Du và những đồng chí của anh đang đi, hoàn thành sự nghiệp mà anh còn dang dở.

+ Ý nghĩa nghệ thuật:

Hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du là một chi tiết nghệ thuật độc đáo góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm và tài năng nghệ thuật truyện ngắn bậc thầy của Lỗ Tấn khi xây dựng được một hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Nó là chi tiết cuối, khép lại thiên truyện nhưng lại mở ra cho người đọc biết bao cảm xúc và liên tưởng, tạo nhiều dư ba, phấn chấn trong lòng người. Làm đối trọng với hình ảnh bánh bao tẩm máu người, hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du thể hiện tấm lòng nhân ái, nỗi niềm trăn trở và niềm tin son sắt của Lỗ Tấn vào tiền đồ cách mạng, vào sự đổi thay, thức tỉnh của quốc dân.

Câu 2. Về lòng dũng cảm và tấm gương hi sinh quên mình của Nguyễn Văn Nam

2.1. Giải thích vấn đề: Thông qua câu chuyện về hành động của bạn Nguyễn Văn Nam, người đọc (nhất là những bạn trẻ) cần suy nghĩ nghiêm túc về lòng dũng cảm, về tình yêu thương, sự hi sinh vì cộng đồng.

2.2. Bình luận, chứng minh:

- Ca ngợi những tấm gương về lòng dũng cảm, tình yêu thương và sự hi sinh vì người khác:

- Phê phán những biểu hiện của thói ích kỉ, vụ lợi, sự vô cảm, vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng của không ít bạn trẻ hiện nay.

2.3. Bài học nhận thức và hành động

- Bài học nhận thức: Cần nâng cao ý thức về trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, đề cao, tôn vinh để nhân rộng các tấm gương cao đẹp ấy.

- Bài học hành động: Có hành động thiết thực vì cộng đồng.

Câu 3a. Diễn biến tâm trạng của Mị

1. Mở bài

- Giới thiệu tác giả Tô Hoài: cây bút văn xuôi xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại với sự nghiệp văn học đồ sộ trên nhiều thể loại. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, ông đặc biệt nặng lòng với đất và người miền Tây, với những phong tục tập quán và cuộc sống của con người vùng cao Tây Bắc.

- Giới thiệu tác phẩm: Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn tiêu biểu của Tô Hoài, được trích trong tập Truyện Tây Bắc (tác phẩm giành giải nhất cuộc cuộc thi báo Văn nghệ 1953-1954, cùng với Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc).

- Giới thiệu vấn đề cần phân tích: Mị là nhân vật trung tâm của tác phẩm, thể hiện tập trung nhất ý đồ tư tưởng và tài năng nghệ thuật của nhà văn. Diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân là minh chứng sinh động cho nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài.

 

2. Thân bài.

- Tóm tắt diễn biến cuộc đời, số phận Mị trước đêm tình mùa xuân: Vốn là một cô gái xinh đẹp, tài hoa, yêu tự do nhưng bởi sự bất công, sự bóc lột của bọn phong kiến miền núi (cường quyền) và những hủ tục lạc hậu (thần quyền), Mị đã phải trở thành con dâu gạt nợ, thành nô lệ cho nhà thống lí, bị bóc lột, bị hành hạ, bị đối xử như súc vật. Tưởng như bao nhiêu đọa đày ấy đã hủy diệt sức sống của cô gái trẻ.

- Diễn biến tâm lí của Mị trong đêm tình mùa xuân

+ Sự thay đổi trong thiên nhiên: Mùa xuân về với Hồng Ngài mang theo sức sống mới cho thiên nhiên, con người nơi đây (dẫn chứng: những cơn gió thổi vào mái gianh vàng ửng, những thiếu nữ mang váy xòe phơi trên đá chuẩn bị cho những cuộc chơi, lũ trẻ vui đùa trên sân ...). Mùa xuân (của đất trời) đã mang lại sức sống mới cho con người, thổi vào cuộc sống vốn trầm lặng của người vùng cao làn gió mới, phơi phơi xuân tình.

+ Diễn biến tâm lí và hành động của Mị:

* Diễn biến 1: Mị nghe thấy tiếng hát (của những đôi lứa yêu nhau), tiếng sáo (5 lần tiếng sáo xuất hiện và được miêu tả vô cùng chi tiết, kĩ lưỡng: từ xa đến gần, từ âm thanh của thế giới bên ngoài đến nỗi ám ảnh nội tâm). Tiếng hát, tiếng sáo ấy nhắc nhớ Mị về một quá khứ tươi đẹp, về một cô Mị trẻ trung phơi phới đầy sức sống, khát sống, khát yêu. Tiếng hát, tiếng sáo như một âm thanh của ngoại giới làm sống lại khao khát vẫn bấy lâu ẩn chứa trong tâm hồn người thiếu phụ vùng cao. Tiếng sáo, tiếng hát cũng nhắc nhớ Mị về thực tại, về những bất công phí lí mà mình phải chịu.

* Diễn biến 2: Mị uống rượu. Đây thực sự là một hành động nổi loạn của nhân tính, đánh dấu quá trình thức tỉnh của Mị. Cô uống ừng ực từng bát lớn, uống như nuốt vào trong bao nhiêu căm giận, tủi hờn. Cô nghĩ "người ta uống được sao Mị không được uống?". Cô đã ý thức mình như một con người, từ bỏ kiếp sống câm lặng, súc vật, đồ vật trong nhà thống lí. Nhưng ngay khi ý thức về bản thân trở lại, cô lại lặng lẽ bước vào phòng, ngồi trên giường và nghĩ nếu có nắm lá ngón chắc mình sẽ ăn ngay cho chết. Ý thức làm người trở lại, đối diện với thực tại tăm tối, cô không chấp nhận kiếp sống ngựa trâu mà mong tìm sự giải thoát. Muốn chết cũng là một biểu hiện của lòng khát sống, sống cho ra sống.

* Diễn biến 3: Mị muốn đi chơi. Đây lại là hành động nổi loạn thứ hai. Cô bước đến góc nhà, với chiếc váy, xắn miếng mỡ khêu đèn cho thêm sáng. Cô muốn thắp sáng cuộc đời tăm tối, tủi cực của mình. Hành động này thể hiện sức sống bấy lâu bị vùi dập, tiềm tàng trong Mị nay đã vùng lên mạnh mẽ. Khát vọng hạnh phúc đã chiến thắng những sợi dây ràng buộc của cường quyền, thần quyền. Muốn đi chơi là muốn được tự do, muốn được hạnh phúc, muốn được sống trọn vẹn làm người.

* Diễn biến 4: Mị bị A Sử trói. Khát vọng bùng lên nhưng lại bị vùi dập tàn nhẫn. A Sử về, trói nghiến Mị bằng một thúng sợi đay, quấn tóc cô quanh cột.

* Diễn biến 5: Mị dần tỉnh ra và đau đớn trở lại thực tại. Bị trói đứng trên cột, đầu Mị vẫn văng vẳng tiếng sáo, tiếng hát gọi bạn tình. Nhưng rồi cô sớm trở về thực tại khi vùng bước đi và gặp phải những lằn dây trói đang xiết chặt quanh da thịt. Tiếng chân ngựa đầu nhà nhắc nhớ cô về thân phận ngựa trâu. Mị nghĩ mình không bằng con trâu, con ngựa. Cô cúi đầu cam chịu. Nhưng một khi ngọn lửa sống đã bùng lên thì không thể bị dập tắt. Sợi dây trói chỉ có thể trói buộc thân thể cô chức không thể trói được tâm hồn yêu tự do.

- Ý nghĩa nghệ thuật: Diễn biến tâm lí và hành động của Mị thể hiện tấm lòng nhân ái của nhà văn khi phát hiện và trân trọng khát vọng sống của con người dù bị đọa đày tàn nhẫn. Nó cũng thể hiện tài năng bậc thầy của Tô Hoài trong việc miêu tả tâm lí nhân vật.

=> Đánh giá chung: Qua diễn biến tâm lí nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, người đọc nhận ra giá trị nhân đạo sâu sắc và giá trị hiện thực (tố cáo các thế lực phong kiến miền núi) của tác phẩm. Đồng thời, một lần nữa minh chứng cho tài năng nghệ thuật của nhà văn. 

3. Kết bài.

- Đánh giá khái quát tài năng nghệ thuật của Tô Hoài trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật đồng thời khẳng định tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

Báo điện tử Người đưa tin sẽ đăng giợi ý giải các môn thi tốt nghiệp sau khi kết thúc thi khoảng 40 phút

P.V

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.