Gợi ý mâm cỗ cúng Giao thừa năm 2024 trong nhà và ngoài trời

Gợi ý mâm cỗ cúng Giao thừa năm 2024 trong nhà và ngoài trời

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 05/02/2024 07:30

Cúng Giao thừa là một trong những nghi lễ quan trọng của người Việt vì thế mâm cỗ cúng Giao thừa cần được chuẩn bị chu đáo, trang trọng.

Giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy nên hàng năm vào lúc giao thời giữa hai năm cũ mới có lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lễ Trừ tịch là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.

Lễ Trừ tịch còn là lễ để "khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ được cử hành vào thời điểm giao thừa nên còn mang tên là lễ Giao thừa. Giao thừa là lễ cúng quan trọng nhất để chuyển giao năm cũ và năm mới, nên mâm cỗ cúng Giao thừa cần được chuẩn bị chu đáo, trang trọng.

Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới.

Mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại thiên đình và đón người mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.

Do bàn giao việc cũ, tiếp quản công việc năm mới diễn ra trong không khí khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng, hoặc chỉ kịp chứng kiến tấm lòng thành của chủ nhà. Vì thế, trong lễ cúng Giao thừa có cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà.

Mâm cúng Giao thừa trong nhà

Mâm cúng Giao thừa trong nhà được đặt trên ban thờ bao gồm: 1 đĩa trầu cau và đĩa trái cây với 5 loại quả (mâm ngũ quả), đèn dầu, một đĩa muối gạo, 5 chung trà, bánh mứt các loại, 1 bình hoa cúng…

Trong đó, mâm ngũ quả phải có đủ 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Bởi từ xưa, ông cha ta đã quan niệm Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được trong năm mới.

Đời sống - Gợi ý mâm cỗ cúng Giao thừa năm 2024 trong nhà và ngoài trời

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, mâm ngũ quả còn thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương mang về kính lên tổ tiên.

Hiện nay, mâm ngũ quả thường được bày biện phù hợp với vùng miền, cũng như kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, cơ bản mâm ngũ quả cúng Tết phải dung hòa 5 màu sắc tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Trái cây thường dùng để bày biện mâm ngũ quả gồm: chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, đào, hồng, táo, lựu…

Mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời

Mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời có thể làm cỗ chay hoặc cỗ mặn được dọn ở một bàn riêng. Cỗ mặn sẽ có 1 con gà luộc, bánh chưng, xôi, trà, rượu, nước, giò chả, các món cơm canh mặn khác tùy theo nhu cầu của gia đình. Cỗ chay thường bao gồm: bánh, kẹo, mứt, cơm canh chay, trà nước.

Đời sống - Gợi ý mâm cỗ cúng Giao thừa năm 2024 trong nhà và ngoài trời  (Hình 2).

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tùy theo vùng miền mâm lễ cúng giao thừa có chút khác biệt. Ở miền Bắc, mâm lễ cúng giao thừa thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà, mọc. Đĩa thường dùng để bày gà luộc, xôi, bánh chưng, thịt luộc, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm và dưa hành muối...

Trên mâm cúng của người miền Trung có bánh chưng, bánh tét, dưa món, chả lụa Huế, thịt đông, gà bóp rau răm, chả Huế, thịt heo luộc, miến Huế, cá chiên hay chả ram...

Ở miền Nam, mâm cúng thường đơn giản hơn, chỉ có hương thắp, hoa, đèn, bánh mứt, trái cây, trà… Nếu gia chủ chuẩn bị thêm mâm cúng mặn thì sẽ có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, bánh tét, chè…

Sau khi đã chuẩn bị xong mâm lễ, người lớn tuổi trong nhà hoặc chủ nhà sẽ đứng lễ chính, các thành viên trong gia đình khấn vái theo.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.