Tín hiệu tích cực
Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng Việt Nam năm 2017 đang dần lộ diện với những mảng sáng rõ nét đến từ kết quả kinh doanh đầy tích cực trong 6 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại.
Theo công bố mới đây củaNgân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), tính đến hết tháng 6/2017, cả hai “ông lớn” này đã hoàn thành 53% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2017.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt 5.054 tỉ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ.Tại VietinBank, ngân hàng này ghi nhận khoản lãi trước thuế tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4.700 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng thông báo đạt 483 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm, nợ xấu duy trì mức dưới 1%.
Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đạt lợi nhuận trước thuế gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức đạt 494 tỉ đồng, tổng tài sản tăng 14% so với đầu năm.
Hay như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - nhà băng đang tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Đề án tái cấu trúc vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt, dù đặt ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ 585 tỉ đồng, tuy nhiên qua nửa năm đã đạt 428 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 70% so với cùng kỳ. Thậm chí, lãnh đạo Sacombank đã dự kiến nâng mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay cán mốc 1.000 tỉ đồng do nhận thấy những tín hiệu tích cực từ tình hình hoạt động trong thời gian qua.
Mới đây nhất, trong ngày 18/7 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) và Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng đã công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 chưa kiểm toán.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của MBBank đạt 2.386 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016, hoàn thành trên 55% kế hoạch năm.Cả năm 2017, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.780 tỷ đồng (trong đó riêng ngân hàng đạt 4.500 tỷ đồng).
Về kết quả kinh doanh của VIB, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 380 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 51% kế hoạch năm. VIB cũng dự kiến sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.
Trước đó, theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh Quý II/2017 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) công bố, các TCTD đều kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng trưởng dương so với năm 2016với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống đạt 13,2%.
Và trên thực tế, với những diễn biến tích cực nói trên, nhiều khả năng một loạt các ngân hàng sẽ tiếp tục báo cáo lợi nhuận nghìn tỷ trong cả năm 2017.
Thời điểm thích hợp để gom cổ phiếu ngân hàng?
Cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục về lợi nhuận, cổ phiếu nhiều ngân hàng cũng tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2017.
Số liệu giao dịch từ đầu tháng 6 đến nay cho thấy, hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàngđều tăng nhiều hơn giảm. Thậm chí, có phiên giao dịch, toàn bộ mã chứng khoán ngân hàng đều tăng giá.
Kỷ lục thuộc về mã NVB của Ngân hàng Quốc Dân tăng tới 100% kể từ đầu năm cho tới nay. Trong khi đó, cổ phiếu CTG của Vietinbank đã tăng khoảng 15% lên gần 20.000 đồng/cổ phiếu; mã SBT của Sacombanktính từ đầu năm tới nay đã tăng xấp xỉ 55%, từ khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu có lúc lên tới 14.500 đồng/cổ phiếu; VCB của Vietcombank treo ở mức cao hơn 38.000/cổ phiếu; Mã BID của BIDV niêm yết ở mức giá 15.150 đồng/cổ phiếu, và tăng đều cho đến mức giá ghi nhận cao nhất vào ngày 3/7 là 20.700 đồng/cổ phiếu (tăng xấp xỉ 37%).
Một số mã nhỏ thậm chí còn tăng mạnh hơn như SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội tăng gần 67%; ACB của ngân hàng TMCP Á Châu tăng xấp xỉ 50%;VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế cũng tăng khoảng 20% trong thời gian ngắn.
Không riêng gì cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn HOSE, HNX và UpCoM mà ngay cả sàn OTC cũng không ngoại lệ. Theo lệnh giao dịch mới nhất trên OTC, cổ phiếu VPBank được giao dịch với giá 35.000 đồng/cổ phiếu; Cổ phiếu LienVietPostBank cũng đang được các nhà đầu tư giao dịch nhộn nhịp với mức giá 13.000-14.000 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến giá cổ phiếu củaTechcombankcũng vọt lên 32.000 đồng,…
Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán HSC, cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ đối mặt với một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn sau một đợt tăng giá mạnh lên vùng cao nhất 10 năm qua nhưng định giá cổ phiếu ngân hàng hiện không đắt nếu để đầu tư trung dài hạn nhờ triển vọng tăng trưởng trong vài năm tới.
Nhận định về xu hướng tăng của cổ phiếu ngân hàng trong thời gian gần đây, chuyên gia tài chính, ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng,việc thị trường liên tiếp đón nhận những thông tin tốt về kết quả kinh doanh của các các ngân hàng trong nửa đầu năm được xem yếu tố tích cực hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu ngành này đồng loạt tăng mạnh.
Bên cạnh đó,triển vọng cổ phiếu ngân hàng là rất tốt khi Nghị quyết về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông quađã góp công lớn, giúp tái tạo lại niềm tin của nhà đầu tư về nền kinh tế vĩ mô đang có sự cải thiện. Mặt khác, việc tháo gỡ nút thắt nợ xấu còn là sự bồi đắp thêm, làm tràn cơ hội của nhà đầu tư, giúp lãi suất có thể giảm 1%, qua đó hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, thông tin IPO các ngân hàng chưa niêm yết với mức định giá cao cũng khiến cho cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết được định giá lại.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giai đoạn hiện tại là thời điểm lý tưởng, ít có sóng mạnh để đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý chọn nhữngmã có yếu tố cơ bản tốt vì không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng mang lại lợi nhuận.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đưa ra khuyến cáo, những người tham gia đầu tư chứng khoán phải am hiểu về ngành nghề kinh doanh, am hiểu về kinh tế vĩ mô và biết về phân tích báo cáo tài chính nếu không năm rõ những điều này thì không nên “chơi chứng”.
“Trên thị trường chứng khoán có một nguyên tắc là đầu tư giá trị cơ bản bao giờ cũng thành công nhưng nếu đầu tư theo kiểu “lướt sóng”, đầu cơ thì sẽ gặp nhiều rủi ro” – ông Hải nói.
Đồng quan điểm với ông Hải, TS. Hiếu cũng cho rằng: “việc các ngân hàng đồng loạt báo lãi, mình phải hiểu được sổ sách của họ vì thực sự mà nói vẫn còn nhiều mảng ở ngân hàng chưa được minh bạch, chưa được công khai chẳng hạn như có nhiều khoản lãi không có khả năng thu hồi nhưng vẫn để vào khoản lãi dự thu. Các nhà đầu tư trước khi bỏ tiền mua cổ phiếu ngân hàng thì nên nắm rõ độ chính xác của báo cáo tài chính mà họ đưa ra. Đây là cơ sở để thẩm định được sức khỏe tài chính của các nhà băng qua đó việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng mới trở nên có hiệu quả, đem lại lợi nhuận.”
Diệu Ly