Trong suốt nhiều năm liên tiếp, người dùng Android luôn bị ám ảnh trong nỗi lo sợ điện thoại bị xâm nhập, bị hack, bị nhiễm phần mềm độc hại. Hiểu được vấn đề này, Google đã luôn tìm cách để khắc phục, nỗ lực cải tiến hệ điều hành của mình trở nên an toàn hơn. Đó cũng là lý do vì sao, trong một báo cáo mới được tung ra gần đây, Google có thể tự tin tuyên bố, hệ điều hành của họ đã trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều, ngang ngửa và thậm chí còn khó hack hơn iOS.
Tuyên bố của Google có lẽ sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó tin, bởi lẽ, chỉ ít thời gian trước đây có thể thấy liên tiếp những cuộc tấn công mạng vào hệ điều hành của họ có quy mô khá lớn. Cụ thể, vào năm 2015, một lỗ hổng đã ảnh hưởng tới 95% các điện thoại chạy hệ điều hành Android, khiến hacker có thể xâm nhập vào chỉ với một tin nhắn văn bản được gửi đi. Đến 2016, các nhà nghiên cứu bảo mật đã tiết lộ hàng triệu điện thoại Android đã bị nhiễm phần mềm độc hại có tên là HumingBad, hacker sử dụng chúng để tạo ra doanh thu từ quảng cáo giả mạo. Năm 2017, các tài liệu do Wikileaks tiết lộ cho thấy CIA đã phát triển những phần mềm độc hại để theo dõi người dùng Android.
Tuy nhiên, Trưởng bộ phận bảo mật của Google cho Android, Google Play và hệ điều hành Chrome, ông David Kleidermacher cho biết, từ tháng 5 năm ngoái, họ đã nỗ lực để làm cho những mối quan ngại của người dùng trở thành dĩ vãng.
Làm thế nào để Google biết được Android đang trở nên an toàn hơn. Bạn sẽ khá bất ngờ khi câu hỏi đưa ra là theo dõi nguồn tiền của họ.
Công ty cho biết, họ đang trả tiền cao hơn cho những người săn tìm lỗi bảo mật. “Khi tính bảo mật của Android đã hoàn thiện, các kẻ tấn công phải chật vật hơn rất nhiều mới có thể tìm ra các lỗ hổng nghiêm trọng”. Điều này được cho là đã học tập Apple khi Nhà Táo từng nhiều lần treo thưởng "khủng" cho các "thợ săn lỗi bảo mật" trên iOS.
Điều đặc biệt là trong năm 2017, các hacker hàng đầu đã không giành được một phần thưởng lớn nào cho việc tìm ra lỗi cơ bản của Android.
Trong khi iOS là một hệ điều hành đóng thì Android lại là một hệ điều hành mở. Nó cho phép một cộng đồng các nhà bảo vệ cùng tìm ra những lỗ hổng sâu hơn và cùng tìm cách giảm nhẹ thiệt hại đến từ những lỗ hổng đó.
Kleidermacher cho biết, sức mạnh của Android đang đòi hỏi các nhà sản xuất điện thoại phải đồng ý với lịch trình cập nhật thường xuyên để giải quyết những khó khăn trong việc vá lỗi chính như StageFright. Google đã mất một chặng đường dài để ép các nhà sản xuất điện thoại cung cấp các bản cập nhật thường xuyên hơn, quá trình này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.
Báo cáo của Google cho biết: “Phần lớn các thiết bị được triển khai cho hơn 200 mẫu điện thoại Android khác nhau từ hơn 30 nhà sản xuất đang chạy bản cập nhật bảo mật mới từ 90 ngày qua”. Cụ thể, khoảng một nửa số thiết bị Android đã nhận được bản cập nhật bảo mật vào cuối năm ngoái.
Google cũng đang cố đẩy những ứng dụng độc hại ra khỏi điện thoại Android nhưng nó không chiếm quyền tải ứng dụng của bạn từ bên ngoài CH Play. Thay vào đó, nó đang xây dựng các công cụ có thể xác định và tắt các ứng dụng độc hại.
Với dịch vụ Google Play Protect, hệ điều hành Android có thể quét các thiết bị và cảnh báo cho người dùng về những ứng dụng không lành mạnh, ẩn chứa nhiều rủi ro.
Trong năm 2017, đã có tới 1,6 tỷ lần người dùng Android tải xuống những ứng dụng có thể gây hại và Google đã có cảnh báo tới họ.
Họ cũng đã xóa tới 39 triệu ứng dụng độc hại từ điện thoại của người dùng. Bảo vệ người dùng khỏi các ứng dụng có hại là điều quan trọng nhất mà Google có thể làm để bảo vệ Android.
Đại diện Google tiếp tục khẳng định, quá trình xây dựng bảo mật của Android sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2018.