Trong khi Caffeine tập trung vào lập chỉ mục và thu thập thông tin các trang web để gia tăng tốc độ hiển thị kết quả thì Hummingbird tập trung vào xếp hạng các trang web cho kết quả phù hợp tốt hơn.
Theo như Google chia sẻ, Hummingbird sẽ ảnh hưởng "90% kết quả tìm kiếm". Thay vì tìm kiếm qua một từ hay cụm từ như hiện nay thì “chim ruồi” giúp phân tích cú pháp tìm kiếm để giải đáp các câu hỏi phức tạp và dài hơi từ người dùng. Google đồng thời sẽ xếp hạng các câu trả lời cho những câu hỏi đó từ nội dung đã xác định và xếp chỉ mục (index).
Theo phó chủ tịch cấp cao mảng tìm kiếm của Google - Amit Singhal, phần thay đổi thuật toán này tập trung nhiều hơn vào xếp hạng các trang web cho phù hợp hơn, bằng cách khai thác sâu vào Knowledge Graph (triển khai năm 2012), vốn đang ở hữu 570 triệu khái niệm và mối quan hệ giữa chúng.
Ngoài ra, Google còn cho biết “chim ruồi” Hummingbird có khả năng giải đáp tốt hơn cho các câu hỏi phức tạp từ người dùng, bao gồm cả những truy vấn câu hỏi bằng giọng nói, hướng đến việc tương tác giữa người dùng và công cụ tìm kiếm qua âm thanh như tìm trên smartphone hay tablet.
Google thay đổi hoàn toàn hệ thống thông qua bản nâng cấp thuật toán Caffeine hướng đến tốc độ hiển thị kết quả và tích hợp kết quả tìm kiếm từ các mạng xã hội vào năm 2010. Và ngày 26/9/2013 vừa qua, Google thay đổi một lần nữa với thuật toán tên mã Hummingbird, mục tiêu "giải đáp trực tiếp, thay vì hiển thị kết quả" bất kỳ thay đổi nào lên Google Search đều ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu website và ngành công nghiệp quảng cáo.
Google cách mạng hóa tìm kiếm trực tuyến khi phát triển hệ thống PageRank để xếp hạng các trang web trên thế giới, dựa trên sự phù hợp, bằng cách sử dụng một thuật toán theo dõi số lần những trang web đó được tham khảo bởi những trang khác.
Qua “chim ruồi”, Google cũng tấn công mạnh mẽ vào công cụ tìm kiếm Wolfram Alpha, vốn có thể mạnh về dạng tìm kiếm ngữ nghĩa, giải đáp theo ngữ cảnh, câu hỏi từ phía người dùng. Có vẻ Google không còn muốn là cánh cửa dẫn đến các trang khác được lưu trữ ở những nơi nào trên Web, thay vào đó, Google muốn trở thành nơi mà người dùng tương tác. Giải đáp mọi thứ mà người dùng cần ngay trên Google mà không phải truy cập vào website khác.
C.P