11 năm bảo lưu quan điểm gộp Tết
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, dư luận xã hội lại nóng lên câu chuyện về quan điểm gộp Tết Nguyên đán vào Tết Dương lịch của GS. Võ Tòng Xuân từ cách đây 11 năm. Theo GS. Võ Tòng Xuân, ý tưởng gộp Tết ta với Tết tây nhằm phù hợp với nếp sống công nghiệp, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân cả nước.
Người phản đối nhiều, song ý kiến ủng hộ cũng không ít. Phía phản đối cho rằng, Tết Nguyên đán là bản sắc dân tộc, là dịp để người dân quây quần nhớ về nguồn cội sau 1 năm làm việc vất vả, không thể gộp Tết ta với Tết tây được. Phía ủng hộ thì bảo lưu quan điểm, ăn Tết Nguyên đán gây lãng phí thời gian, của cải…
Để làm rõ thêm về vấn đề này, mới đây PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cùng “cha đẻ” của ý tưởng gộp Tết này là GS. Võ Tòng Xuân và một số chuyên gia về văn hóa, kinh tế.
Sau 11 năm, GS. Võ Tòng Xuân cho biết, bản thân vẫn bảo lưu quan điểm gộp Tết cổ truyền với Tết tây mà ông từng đưa ra. Theo ông Xuân, việc gộp Tết như trên là phù hợp với xu hướng hội nhập mà một số nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu như Nhật Bản… Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, người Việt hiện nay dành 10 ngày nghỉ chỉ để ăn Tết Nguyên đán là sự lãng phí.
“Tôi bảo lưu quan điểm và cho rằng chúng ta chỉ nên coi Tết Nguyên đán như một ngày để tưởng nhớ về nguồn cội. Thay vì nghỉ 10 ngày, chúng ta nên cắt bớt chỉ còn nghỉ 3 ngày thôi”, GS. Võ Tòng Xuân bày tỏ. Ông cũng cho rằng, ý tưởng gộp Tết ta với Tết tây đã nhận được số lượng ý kiến ủng hộ tăng dần theo từng năm.
“Nếu trước đây có khoảng 30% người ủng hộ thì nay, con số đó là ngang bằng 50/50. Tôi cũng tin rằng một ngày không xa, người dân Việt Nam sẽ ăn Tết theo hướng hội nhập như ý tưởng của tôi, bởi ngay cả bây giờ Tết cổ truyền trong tâm trí nhiều người không thực sự quan trọng, không thiêng liêng như xưa. Thậm chí, mùng 1 Tết người ta vẫn đi làm, kiếm sống, không như ngày trước”, GS. Xuân nói thêm.
Đồng tình với ý tưởng này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ăn Tết cổ truyền gây ra nhiều lãng phí, giảm hiệu quả kinh tế khi bỏ lỡ các giao dịch, hội nghị, giao ước quốc tế.
Không phải cứ muốn là gộp được
Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa, GS. Trần Lâm Biền nêu ý kiến: “Từ lâu, Tết Nguyên đán đã là một phần máu thịt của người Việt Nam, gắn với cả chu trình thời gian khép kín liên quan đến giá trị cổ truyền và nền kinh tế nông nghiệp. Vì thế, không phải cứ muốn gộp Tết là gộp ngay được".
Ông cũng cho rằng, những người yêu nước, yêu văn hóa dân tộc sẽ luôn đắn đo trước những thay đổi. “Liệu rằng, sau khi thay đổi, văn hóa Việt Nam có còn là nó hay chỉ còn là cái đuôi của nền văn hóa khác?”, vị chuyên gia văn hóa nghi ngại.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Tết còn thể hiện bản sắc văn hóa mà đã là bản sắc thì không thể gộp văn hóa Việt vào văn hóa nước ngoài được".
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có một văn hóa riêng. “Liên Hợp Quốc họ cũng ủng hộ mỗi một quốc gia, mỗi một dân tộc có một văn hóa riêng, một ngôn ngữ riêng. Tết cổ truyền là văn hóa riêng của dân tộc ta, tại sao lại đòi gộp văn hóa dân tộc ta vào văn hóa của phương Tây. Tôi thấy nói “gộp Tết tây với Tết ta” để hội nhập là hiểu sai lầm một cách căn bản về hội nhập. Hội nhập không phải là hòa tan, là đánh mất văn hóa. Bất kỳ cái gì cũng có hai mặt của nó. Nước nào ngày nghỉ Tết cũng phải có lương tháng 13, thưởng Tết và như vậy thì gộp cả Tết âm với Tết dương cũng thế thôi”, TS. Phong nêu quan điểm.