Tết Nguyên đán đang đến rất gần và chuyện gộp Tết tây với Tết ta hay không vẫn được bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, GS. Lê Thị Quý, Viện trưởng viện Nghiên cứu giới và Phát triển cho rằng: “Đối với tôi, đó là những chuyện tào lao và vô bổ. Chúng ta không có nhiều thời gian để bàn về những chuyện ấy mà hãy dành thời gian để bàn vấn đề làm sao phát triển đất nước tốt hơn, đời sống nhân dân tốt hơn”.
“Tết cổ truyền đã tồn tại từ lâu đời và ăn sâu vào truyền thống và máu thịt của người dân Việt Nam ngàn đời nay, bây giờ cứ bàn gộp với bỏ, nhập là làm sao?
Tôi nghĩ không ai chấp nhận được. Tôi hoàn toàn phản đối ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta”. Tết ta chẳng có gì hại mà thậm chí còn có lợi cho nhiều vấn đề, nhất là gắn kết tình cảm gia đình, tình cảm giữa con người với con người. Những thứ tốt đẹp như thế nên giữ gìn, để lại chứ sao phải bỏ, phải gộp?”, GS. Quý đưa ý kiến.
Cũng theo GS. Quý thì Tết tây có ý nghĩa của Tết tây, còn Tết ta có ý nghĩa riêng của Tết ta. Thêm nữa, Tết ta có nhiều ý nghĩa cực kỳ thiêng liêng thì không thể bỏ đi hay gộp lại với Tết tây được.
“Thời gian gần đây, tôi cũng theo dõi một số tranh luận trên các báo, tôi thấy rất bực mình khi chúng ta tốn thời gian vào những điều vô bổ như thế.
Tôi tin rằng, nếu chúng ta có bỏ đi hay gộp Tết ta với Tết tây thì người dân cũng không theo. Dân đã không nghe theo thì mọi thứ là vô nghĩa.
Ngày Tết tây là ngày dương lịch, các năm dương lịch đã thành nếp rồi, trong khi đó, Tết ta cũng rất hay, có những phong tục truyền thống tuyệt vời. Một cái Tết hay như thế, đã đi vào tâm khảm của người Việt từ bao đời. Đó là truyền thống dân tộc, quốc hồn, quốc túy, bây giờ cứ rỗi thì giờ nói chuyện gộp lại, tôi thực sự không hiểu nổi.
Hãy dành thời gian để bàn đến những câu chuyện thiết thực hơn, làm sao cho đất nước phát triển hơn, đời sống người dân tốt hơn sẽ hay và có ý nghĩa hơn nhiều”, GS. Quý thẳng thắn nói.
Vị giáo sư nhấn mạnh thêm: “Tôi không muốn nói nhiều vì sợ mình lại thành gay gắt quá nhưng rõ ràng việc gộp Tết tây với Tết ta là cực kỳ vô bổ.
Tết cổ truyền là cả tổ tiên cha ông mình, hàng bao nhiêu thế hệ. Nói lên ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta" là chạm đến tất cả mọi người. Thậm chí có người còn đề nghị gộp Tết tây với Tết ta cùng với giỗ tổ Hùng Vương. Tôi thấy thật không thể chấp nhận được.
Tất cả những gì thuộc về truyền thống thiêng liêng của dân tộc không phải tự ý làm gì thì làm. Tôi thấy chẳng có căn cứ gì về mặt khoa học, tâm linh, văn hóa để đưa ra vấn đề gộp Tết tây với Tết ta. Đưa ra ý tưởng này, tôi thấy là quá rỗi việc và tôi thấy rất buồn vì điều đó”.
Đề cập đến một số ý kiến cho rằng, Tết ta kéo dài gây tốn kém, lãng phí, GS. Lê Thị Quý đưa quan điểm: “Tôi nghĩ rằng, cũng đến lúc chúng ta cần tính toán rút bớt thời gian nghỉ Tết cổ truyền ngắn lại bởi nếu nghỉ dài ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Trước đây, chúng ta chỉ có 3 - 4 ngày nghỉ Tết mà vẫn rất vui vẻ, đầm ấm.
Thực sự, kéo dài thời gian nghỉ Tết tôi cũng thấy tiếc lắm, vì không nên lãng phí thời gian để có tiêu cực nảy sinh. Nhưng tôi hoàn toàn phản đối ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta”.
Dương Thu