Gộp Tết tây với Tết ta: Không nên ‘ném đá’ nhà văn Tuệ Nghi!

Gộp Tết tây với Tết ta: Không nên ‘ném đá’ nhà văn Tuệ Nghi!

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 6, 20/01/2017 07:56

Tết ông công ông táo đã đến và đồng nghĩa Tết Nguyên đán đang gần kề. Thời điểm này, dư luận xã hội càng sôi nổi ý kiến về ý tưởng "gộp Tết tây với Tết ta".

Tết ông công ông táo đã đến đồng nghĩa với việc Tết Nguyên đán đang rất gần kề. Thời điểm này, dư luận xã hội càng chú ý đến những câu chuyện của ngày Tết. Và, ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta” vẫn đang “nóng” khắp các diễn đàn.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long.

Xã hội - Gộp Tết tây với Tết ta: Không nên ‘ném đá’ nhà văn Tuệ Nghi!

 Tết Nguyên đán đang đến rất gần.

Thưa ông, ông có đồng tình với ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta”?

Cá nhân tôi chắc chắn không đồng tình.

Ông có thể lý giải cụ thể hơn?

Tết cổ truyền là một nét văn hóa riêng của dân tộc ta cũng như của các nước phương Đông. Tết cổ truyển có nhiều ý nghĩa riêng. Ý nghĩa lớn nhất là ngày kỷ niệm đánh dấu hết một năm âm lịch. Năm âm lịch được chia theo 4 mùa rất rõ rệt.

Thêm nữa, Tết cổ truyền đã đi sâu vào đời sống của người dân nước Việt. Nội hàm cái Tết này chứa đựng rất nhiều điều tốt đẹp, trong đó có đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ngày mùng 1 Tết mỗi người tự ngồi tổng kết xem năm đó mình làm được những gì, nhưng đồng thời cũng là trở về cội nguồn. Thông thường, Tết Việt là trở về với cội nguồn, trở về quê hương, trở về với ông bà cha mẹ sum vầy cả gia đình… Những ý nghĩa tốt đẹp đó không thể lấy gì thay thế được.

Tại sao chúng ta vẫn nói với nhau “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”? Đây là thể hiện tính nhân văn của Tết Việt. Chúng ta đi làm cả năm vất vả, ngày Tết là để nhớ về người đã sinh thành ra mình, ai dạy dỗ mình nên người. Làm sao có thể thay thế hết những điều này?

Xã hội - Gộp Tết tây với Tết ta: Không nên ‘ném đá’ nhà văn Tuệ Nghi! (Hình 2).

 Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Không thể thay thế Tết truyền thống, vậy chúng ta cần ứng xử với Tết truyền thống như thế nào để hội nhập mà không hòa tan trong thời điểm hiện nay?

Chúng ta cần gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống, ngay cả những biểu hiện bên ngoài của nét đẹp truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu… Tết cổ truyền vừa có ý nghĩa giáo dục, vừa có ý nghĩa văn hóa. Ngày Tết còn gắn liền với mùa xuân, mùa khởi đầu một năm mới nên càng thêm nhiều ý nghĩa.

Tất nhiên, có những điều không phù hợp với thời điểm bây giờ thì phải giảm bớt đi. Ngày xưa chúng ta nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, nhưng bây giờ không phải cứ đến Tết mới chơi và chơi hàng tháng trời như vậy. Đất nước chúng ta không còn thuần túy là nông nghiệp, phát triển nông nghiệp cũng gắn liền với công nghệ cao. Do đó, tháng Giêng không phải là tháng không có việc để làm.

Với nền công nghiệp thì lại càng không thể nghỉ kéo dài hàng tháng trời vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động.

Nhưng cũng không thể vì sản xuất kinh doanh mà bỏ hẳn một cái Tết nhiều ý nghĩa. Trừ một số điều tạo nên hoang phí thì Tết là dịp để hàng loạt dịch vụ ra đời. Đó cũng là đóng góp lớn vào kinh tế của đất nước.

Tôi nghĩ không nên nói ngày Tết là tốn, phí mà tốn, phí hay không là do con người. Đặc biệt, cách sống phô trương, hình thức, kệch cỡm thì những ngày khác cũng sẽ gây lãng phí không cần thiết, đừng nói là ngày Tết. Nhưng tôi cũng cho rằng, nên xem lại ngày Tết truyền thống có cần thiết nghỉ dài như hiện nay hay không.

Nói “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” có nghĩa là ngày mùng 4 đã có thể khóa lễ được rồi. Nhưng ở nhiều địa phương, Tết kéo dài đến mùng 7, mùng 10 thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công việc chung. Vậy nên, theo tôi cần có sự tính toán lại cho phù hợp, bởi nghỉ kéo dài là không tốt.

Thực tế, nếu không nghỉ đủ ngày, đến cơ quan, nhà máy vẫn còn tâm lý đi chùa, không nghỉ cuối cùng vẫn là nghỉ thì không tốt. Nếu thực sự có ý thức, tư duy công nghiệp hiện đại thì kể cả là không được nghỉ dài ngày nhưng vẫn có thể sắp xếp thời gian để đi chơi, du xuân, lễ chùa vào những ngày nghỉ trong tuần.

Vấn đề ở đây không phải là có điều kiện hay không có điều kiện mà vấn đề là ở tư duy, ở nếp sống. Rõ ràng, một số bộ phận người dân hiện nay còn sống khá tùy tiện, nghỉ một ngày lại muốn nghỉ hai, ba rồi năm, mười… Như thế hoàn toàn không chấp nhận được.

Chúng ta nên có một cái Tết đầm ấm, sum họp gia đình nhưng đồng thời là cái Tết nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động. Bởi khi hưởng thụ làm cho tinh thần sảng khoái thì sản xuất sẽ có năng suất hơn. Như thế mới là cái Tết thực thụ, không phải Tết là tập trung rượu chè, ăn uống phè phỡn.

Tết không chỉ đơn thuần là kết thúc hay là phép đo thời gian mà nó còn là một nghi thức, nét đẹp, truyền thống văn hóa nên theo tôi không thể bỏ Tết cổ truyền. Tuy nhiên, cũng cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Truyền thống nhưng phải phù hợp với hiện tại thì nét đẹp truyền thống ấy mới còn mãi với thời gian. Truyền thống mà trái với hiện đại thì sẽ biến thành hủ tục.

Suy nghĩ của nhà văn trẻ Tuệ Nghi khi chia sẻ đã gặp nhiều phản ứng dữ dội từ dư luận cho rằng tuổi trẻ suy nghĩ quá thoáng mà quay lưng lại với truyền thống. Nhiều ý kiến mạng xã hội cũng "ném đá" ý tưởng của Tuệ Nghi. Ông có bình luận gì không?

Tôi không có phê phán gì về suy nghĩ của tuổi trẻ bởi họ có quyền sáng tạo, có sự quyết đoán, muốn vươn lên nên đề xuất ý kiến của mình. Chúng ta cũng không nên "ném đá" các ý tưởng, bởi, trong một xã hội văn minh, hiện đại thì mọi ý kiến đều được trân trọng. Ngay như ý kiến của tôi cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Tất cả mọi người đều có quyền đưa ý kiến của cá nhân mình.

Không nên có sự mâu thuẫn các ý kiến với nhau mà vấn đề là chúng ta cùng cân nhắc. Việc gộp Tết hay không không phụ thuộc ý chí của một cá nhân nào. Mọi thứ là do cuộc sống vận hành một cách tự nhiên, hợp lý.

Không có gì nhất thành, bất biến, cái gì cũng sẽ biến đổi nhưng điều biến đổi theo quy luật tự nhiên chứ không theo mệnh lệnh hành chính hay một ý nguyện của cá nhân.

Mọi ý kiến làm cho cuộc sống tốt đẹp lên đều được trân trọng, dù đó là ý kiến của người già hay người trẻ, của quan chức hay dân thường. Ý kiến của mọi người dân đều bình đẳng như nhau và đều được trân trọng.

Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ông có lời chúc gì đến độc giả của báo Người Đưa Tin?

Năm mới Đinh Dậu đang đến rất gần, tôi xin chúc độc giả của báo Người Đưa Tin nói riêng và toàn bộ người dân Việt Nam luôn mạnh khỏe, an khang thịnh vượng. Bởi cái Tết suy cho cùng là Tết của gia đình. Từng gia đình có an khang thịnh vượng thì cả dân tộc mới an khang thịnh vượng.

Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Dương Thu (thực hiện)

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.