“Quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự sớm hơn, cụ thể là người từ đủ 13 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi do mình thực hiện” là đề xuất của Ths.Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ tại hội thảo về “Hoàn thiện các qui định của BLHS nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của công dân trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”, diễn ra trong hai ngày 22 và 23-7-2013.
Theo ông Hiểu, sở dĩ nên hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống 13 tuổi, vì những năm gần đây, số trẻ em dưới 14 tuổi phạm tội ngày càng nhiều, không ít vụ việc hết sức nghiêm trọng và đang có chiều hướng gia tăng. Điều kiện sống của trẻ em ngày càng tốt hơn, cơ hội tiếp cận thông tin ngày càng mở rộng, trẻ được tham gia nhiều quan hệ xã hội từ rất sớm, nên trẻ ngày càng có nhiều kinh nghiệm sống, phán xét, xử lý tình huống khá hơn, năng lực pháp luật, năng lực hành vi có bước trưởng thành vượt bậc so với thế hệ trước.
Theo báo cáo Quốc hội, năm 2012, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm tăng đáng kể, diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại là tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên gia tăng và ngày càng khó kiểm soát. Hàng năm có đến 16.000-18.000 trẻ chưa thành niên phạm tội, chiếm từ 15% -18% tội phạm. Trong 5 năm từ 2007 - 2012, các CQCA đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng người chưa thành niên phạm pháp. Riêng năm 2012, tòa án các cấp đưa ra xét xử 6.425 bị cáo là người chưa thành niên. Trong những vụ án được đưa ra xét xử, có nhiều vụ án thể hiện người phạm tội manh động, liều lĩnh, cố tình phạm tội đến cùng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chấn động dư luận như vụ Lê Văn Luyện giết người, cướp tài sản tại tiệm vàng Ngọc Bích; vụ Đào Thị Thu Hương (tức My sói) cùng đồng bọn phạm tội hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản…
Thực tiễn cũng cho thấy, do biết rõ pháp luật không buộc người dưới 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nên đã xảy tình trạng không ít người lợi dụng trẻ em dưới 14 tuổi, sử dụng trẻ vào việc thực hiện các hành vi trái pháp luật như buôn lậu, buôn bán ma túy, giết người, cố ý gây thương tích… Hiện, pháp luật nhiều nước trên thế giới, cả các nước phát triển và đang phát triển, cả châu Âu, châu Mỹ và châu Á đều quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình rất sớm, như 7, 9, 10, 12, 13 tuổi. Trong đó nhóm nước quy định độ tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là 12 chiếm khá nhiều.
“Việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự sớm hơn không làm giảm đi bản chất nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam. Vấn đề là quy định và áp dụng cho họ chế tài phù hợp, để giáo dục, cải tạo họ trở thành công dân có ích cho xã hội, ngăn chặn và phòng ngừa không để họ tiếp tục pham tội”, ông Hiểu phân tích và cho rằng, Bộ luật Hình sự sửa đổi cần nghiên cứu bổ sung một số biện pháp tư pháp như: Tham gia lao động công ích, cách ly khỏi môi trường không thuận lợi cho việc giáo dục; bổ sung một số hình phạt như: Lao động cải tạo (từ 6 tháng - 1 năm), đưa vào môi trường giáo dục đặc thù có định hướng (từ 1 năm - 2 năm). Ngoài ra, cần quy định mức hình phạt tù tối đa áp dụng cho người chưa thành niên là 15 năm (nhiều nước quy định mức cao nhất từ 12 - 15 năm).
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi - dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội.
Hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống dưới 14 tuổi không phải là đề xuất lần đầu trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự. Vài năm nay, tội phạm chưa thành niên gia tăng cả về quy mô và tính chất nên nhiều chuyên gia pháp lý đã đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhằm giáo dục, răn đe hiệu quả, hạn chế tình trạng trẻ hóa tội phạm.
Dẫu hành vi phạm tội gây ra có nghiêm trọng đến đâu, thì người chưa thành niên vẫn được coi là người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, là người còn hạn chế về nhận thức. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bởi vậy, việc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên cũng là cách “giúp” những đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên nhận thức đầy đủ về hành vi của mình.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nhìn nhận người chưa thành niên dưới góc độ pháp lý, trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của các nhà y học, tâm lý học, xã hội học có thể thấy: người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, chưa có khả năng nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện. Với đặc điểm như vậy, người chưa thành niên nếu ở trong môi trường xấu thường rất dễ có các hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật, phạm tội. Ngoài trách nhiệm riêng của bản thân họ, thì dưới giác độ trách nhiệm xã hội và đạo đức, Nhà nước – xã hội và những người lớn cũng phải chịu một phần trách nhiệm, vì việc quản lý, chăm sóc và giáo dục họ bộc lộ nhiều thiếu sót, dẫn đến họ vi phạm pháp luật. |
Theo Pháp luật & Xã hội