Thấy lao xao trên mạng chuyện dân tình đi thử GoViet, tôi tải app và sáng nay thử. Trước, Grab – Xanh. Giờ, GoViet – Đỏ.
Vui thật. Hai chuyến đi trước kia mất tối thiểu 20.000 đồng mỗi chuyến, nay chỉ… 1.000 đồng. Mối lợi của khách hàng thế là rõ.
Còn tài xế?
Chuyến đầu là một chú tài xế áo đỏ, mũ đỏ, mũ của khách cũng đỏ. Chỉ có app là cả đỏ, cả xanh – nghĩa là cả GoViet lẫn Grab. Đã “tự đổi thay” nhưng theo kiểu đỏ vỏ, xanh lòng.
Chuyến thứ hai là chú tài xế áo đỏ, mũ đỏ, nhưng mũ của khách xanh. App đương nhiên là cả đỏ cả xanh rồi. Chú nói, chạy xanh 2 chuyến. Giờ, tắt app xanh, chạy app đỏ thôi. “Tự đổi thay” gần như hoàn toàn.
Chú kể: “Tiếc hùi hụi. Hôm qua anh em nhanh chân chạy được công ty cho luôn 45.000 đồng mỗi chuyến. Hôm nay còn nhõn 25.000 đồng thôi. Tuy nhiên, còn 3 tháng khuyến mại nữa cơ mà. Khoái nhất là GoViet chưa thu phí, còn Grab thu phí quá nặng từ lúc đuổi được Uber đi”.
Rõ là GoViet đang “cướp khách, cướp tài” của Grab bằng những chuyến đi cho không cả khách lẫn lái xe, như ngày nào cũng bằng các chiêu trò, Grab “chiến” Uber để còn một mình một cõi. Cạnh tranh thì phải khốc liệt, đương nhiên.
Và, màu sắc chắc chắn sẽ chuyển dần từ xanh sang đỏ trên đường phố Hà Nội. Trên đường phố dù mất đi màu xanh đậm của Uber thay bằng màu xanh lá độc chiếm của Grab, nhưng nay đỏ tươi màu GoViet. Và trong tương lai, còn những sắc màu nào nữa? Cũng là chút ấm áp của cuộc cạnh tranh.
Có cạnh tranh là người dân được lựa chọn, được hưởng lợi. Biết thế đã!
Ai trường vốn, làm sao giữ được khách, phát triển công ty là chuyện của mấy ông chủ. Quản lý thế nào là việc Nhà nước. Dân vui cái đã!
***
Lại liên tưởng chuyện “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đang rộ lên những ngày đầu năm học. Không còn việc độc quyền của bộ Giáo dục thì sẽ có nhiều tài năng được phát lộ, nhiều cách truyền thụ kiến thức tiên tiến hơn được mang ra thi thố.
Nhưng “hạt mới nảy mầm” đã thấy nhuốm màu thương trường, thậm chí cả những mưu hèn kế bẩn cũng đã được phô diễn, trên mảnh đất văn minh vốn lắm người nhưng nay mới thấy có cả nhiều… “ma”.
Vậy mà phản ứng của bộ Giáo dục xem chừng quá yếu ớt, việc truyền thông tới người dân hầu như chẳng hiệu quả gì. Người ta nói bộ Giáo dục “há miệng mắc quai” vì còn nhiều lợi ích trong việc làm sách, lơ mơ là mất cần câu cơm. Có thật như thế không?
Phát huy trí tuệ của các nhóm làm sách thế nào, tạo sự công bằng trên sân chơi ra sao, thẩm định bằng cách nào cho trí tuệ - khách quan - công bằng để thầy, trò có được những bộ sách tốt nhất, tiết kiệm cho xã hội nhất cần những chỉ đạo sát sao, quyết sách có tầm nhìn xa của Chính phủ.
Giáo Già
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.