Tự ý thay đổi phương thức thanh toán
Chiều 21/10, chị Nguyễn Phương A. (ở đường Giải Phóng, Hà Nội) gọi xe taxi công nghệ của hãng Grab thì phát hiện tính năng thanh toán GrabPay Credits bị khóa, số dư trong tài khoản khoảng hơn 300 nghìn đồng cũng… biến mất, không còn hiển thị trên màn hình ứng dụng như mọi lần.
Tiến hành gọi xe thì chị được ứng dụng gợi ý hoặc là phải trả bằng tiền mặt hoặc phải kích hoạt ứng dụng ví điện tử GrabPay by Moca mà hãng vừa ra mắt. Sau nhiều lần gọi đến tổng đài, Grab cho biết số tiền trong tài khoản của chị sẽ được bảo lưu chuyển sang ứng dụng mới.
Do chưa có thời gian tìm hiểu về ví điện tử Moca, lại đang có việc gấp nên chị Phương A. đành phải lựa chọn phương thức trả bằng tiền mặt và chấp nhận mất một số tiền khuyến mãi vì không thanh toán bằng thẻ (thông thường thanh toán bằng GrabPay, khách hàng được hưởng khuyến mại 50% cuốc xe hoặc 15 - 20 nghìn đồng).
Nhưng điều khiến chị bức xúc hơn cả là khi làm theo hướng dẫn kích hoạt ví điện tử Moca của Grab thì chị được hướng dẫn liên kết với một tài khoản ngân hàng, điền thông tin thẻ ATM thì mới hoàn tất đăng ký.
Cụ thể, sau khi kích hoạt và nhập mã OTP được gửi trực tiếp về điện thoại di động, Grab yêu cầu khách hàng điền thông tin ngân hàng được hỗ trợ liên kết. Tuy nhiên, danh sách ngân hàng được đưa ra khá ít, chỉ có 8 sự lựa chọn, gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, ACB, SCB, VPBank và Timo.
“Nếu bạn không sở hữu thẻ ATM từ những ngân hàng có liên kết (1 trong 8 ngân hàng trên – PV), hãy nhanh chóng mở thẻ ATM từ một trong những ngân hàng này để có thể kích hoạt, nạp tiền và sử dụng đầy đủ tính năng và nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn khi thanh toán bằng ví GrabPay by Moca”, Grab hướng dẫn những khách hàng không có thẻ ATM của 8 ngân hàng trên khiến nhiều người cảm thấy vô cùng bất bình.
“Hiện tại tôi chỉ sử dụng dịch vụ của hai ngân hàng Techcombank, Agribank và không có nhu cầu mở thêm thẻ ATM từ ngân hàng khác nữa. Tôi cho rằng Grab đã không tôn trọng khách hàng, tự ý thay đổi phương thức thanh toán và có dấu hiệu ép buộc khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng mà Grab liên kết” – chị Phương A. bức xúc nói.
Không riêng chị Phương A. mà rất nhiều khách hàng của Grab có chung nỗi bức xúc này. Anh Ngô Tuấn M. (Mỹ Đình, Hà Nội) hiện cũng đang bị “giam lỏng” hơn 200 nghìn đồng trong tài khoản Grabpay Credits vì chưa có thẻ ATM của 1 trong 8 ngân hàng nói trên.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, anh Tuấn M. cho biết sẽ tẩy chay Grab và yêu cầu trả lại số tiền còn lại trong tài khoản GrabPay Credits.
“Grab phải có trách nhiệm duy trì hình thức thanh toán cũ cho đến hết số tiền cũ của khách hàng, hoặc là trả lại họ tiền chứ không thể “chiếm dụng” tiền của khách hàng rồi ép sử dụng dịch vụ mà không có sự thỏa thuận nào như vậy” – anh Tuấn M. nhận định.
Trong khi đó, đội ngũ lái xe của Grab hiện nay cũng đang gặp không ít phiền toái từ sự thay đổi dịch vụ này. Anh Phạm Xuân Th. – tài xế xe 30A-752.XX cho hay, mấy hôm nay anh liên tục nghe khách hàng phàn nàn. Họ phải trả tiền mặt anh cũng thấy bất tiện bởi vì nhiều khi trả khách ở đoạn đường đông, cấm dừng đỗ thì việc cầm tiền mặt và trả lại tiền thừa khá là mất thời gian và phiền phức.
Một tài xế khác là anh Lê Xuân T. – chủ xe 30E-616.XX cũng xác nhận vài ngày nay khá là căng thẳng vì bị khách hàng yêu cầu giải thích, nhưng không nắm được bản chất vấn đề là gì nên chỉ có thể hướng dẫn khách hàng gọi lên tổng đài để hỏi.
Vì sao ép khách hàng sử dụng ví điện tử Moca?
Được biết, ngày 11/9, công ty TNHH Grab và công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca đã công bố hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab tại Việt Nam.
"Hợp tác chiến lược Grab và Moca giúp thúc đẩy phương thức kỹ thuật số này, và chúng tôi mong đợi sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các khoản thanh toán di động do Moca và Grab thực hiện trên khắp Việt Nam", ông Trần Thanh Nam, đồng sáng lập và CEO của Moca cho biết.
Theo DealstreetAsia, hai công ty đã không tiết lộ thêm chi tiết về quan hệ đối tác, nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng nhóm Tài chính Grab Việt Nam nói với tờ báo này hồi tháng 9/2018 rằng họ dự kiến sẽ ra mắt dịch vụ chung trong tháng 10/2018.
Được thành lập vào năm 2013, Moca cung cấp một ứng dụng thanh toán trên nền tảng iOS và Android cho người tiêu dùng Việt Nam. Nền tảng đó cho phép người tiêu dùng thanh toán các giao dịch trực tuyến của họ thông qua điện thoại thông minh, bao gồm các địa điểm ăn uống, mua sắm, du lịch và giải trí. Moca được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép từ đầu năm 2016.
Không công bố thêm về mục tiêu thị phần sau khi hợp tác với Grab, ông Trần Thanh Nam chỉ nói rằng Moca hiện đang hợp tác với 11 ngân hàng ở Việt Nam, vốn chiếm một lượng lớn người dùng trong nước.
Thông tin trên tờ Tri Thức Trẻ cho hay, tính đến ngày 18/5/2018, tổng vốn điều lệ của Moca đạt hơn 81,5 tỷ đồng, với các cổ đông chính là ông Trần Thanh Nam – hiện nắm giữ hơn 41% vốn và ông Nguyễn Quang Dũng – nắm 19,5% vốn và cổ đông ngoại Access Venture Capital (Hồng Kông) sở hữu 3,5% cổ phần.
Luật sư Bùi Đình Ứng (Trưởng văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, hành vi chiếm giữ tiền khách hàng của Grab để buộc họ phải sử dụng dịch vụ mới do Grab liên kết là phạm luật.
Về nguyên tắc, Grab chỉ được áp dụng hình thức thanh toán mới đối với khách hàng mới, khi đó khách hàng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý thì từ chối sử dụng dịch vụ. Còn với những khách hàng cũ có giao dịch từ trước bằng phương thức thanh toán cũ thì Grab phải cho họ lựa chọn, hoặc kích hoạt sử dụng ví Moca, hoặc được trả lại tiền trong tài khoản (nếu có).
“Tiền trong tài khoản GrabPay Credits là tài sản thuộc sở hữu của khách hàng, mọi hành vi chiếm giữ, “phong tỏa” nó đều là phạm luật” – luật sư Ứng nói.