Theo Channel News Asia, Uber bị phạt 6,58 triệu đô la Singapore (hơn 4,8 triệu USD) trong khi Grab bị phạt 6,42 triệu đô la Singapore (gần 4,6 triệu USD).
CCCS cho biết, việc xử phạt này nhằm "ngăn những vụ sáp nhập đã hoàn thành, không thể đảo ngược, nhưng gây tổn hại đến cạnh tranh".
Ngày 26/3, Grab tuyên bố đã mua lại hoạt động các hoạt động tại Đông Nam Á của Uber Technologies Inc có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ.
Đổi lại, Uber sẽ nắm giữ 27,5% cổ phần tại Grab, đồng thời CEO của Uber sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Grab đã mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn của Uber tại thị trường Đông Nam Á, đồng thời tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính của Grab.
Trong quá trình điều tra, CCCS nghi ngờ rằng sau thương vụ thành công, Grab đã tăng giá sau khi loại được đối thủ cạnh tranh "đáng gờm" nhất tại Singapore là Uber. Cước phí khách hàng phải trả cho mỗi chuyến, sau khi đã trừ khuyến mại, tăng 10 - 15%.
Được biết, CCCS tuyên bố đã nhận được rất nhiều khiếu nại từ hành khách và tài xế về giá cước lẫn hoa hồng của Grab.
CCCS kết luận Grab đã thay đổi chương trình từ ngày vắng Uber, như giảm số điểm hành khách kiếm được trên mỗi đô la chi tiêu, giảm số lượng, tần suất của các khuyến mại, ưu đãi.
CCCS cũng ra lệnh cho Uber bán xe của Lion City Rentals ở Singapore cho bất kỳ đối thủ cạnh tranh tiềm năng nào đưa ra một đề nghị hợp lý dựa trên giá trị thị trường, và cấm Uber bán xe cho Grab mà không có sự chấp thuận theo quy định.
Đồng thời ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore đã yêu cầu Grab xóa bỏ các quy định mang tính áp đặt một chiều đối với tài xế, duy trì thuật toán định giá và tỷ lệ hoa hồng trước thời điểm sáp nhập.
Giám đốc điều hành CCCS - Toh Han Li phát biểu: "Các cuộc sáp nhập làm giảm đáng kể sự cạnh tranh và CCCS đã hành động để chống lại vụ sáp nhập Grab-Uber vì nó đã loại bỏ đối thủ lớn nhất của Grab, gây thiệt hại cho hành khách và tài xế Singapore. Các công ty có thể tiếp tục đổi mới tại thị trường này, thông qua các cách thức khác ngoài việc sáp nhập để chống cạnh tranh".
Cơ quan chức năng Singapore cũng cho rằng Grab hiện nắm đến khoảng 80% thị phần và có tác động mạnh, khiến các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khó mở rộng quy mô, đặc biệt là khi hãng yêu cầu nghĩa vụ độc quyền với các công ty taxi, đối tác cho thuê xe và một số tài xế.
Phản hồi sau các phán quyết đưa, đại diện Grab cho biết: "Chúng tôi đã không cố tình hoặc vi phạm luật Cạnh tranh một cách cẩu thả. Grab đồng ý rằng việc giữ cho thị trường mở và có thể cạnh tranh tốt nhất cho người tiêu dùng và người lái xe. Chúng tôi sẽ tuân thủ các biện pháp khắc phục do CCCS đặt ra”.
Vị này cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với CCCS và bộ Giao thông Singapore để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Về mặt này, chúng tôi hoan nghênh sự sẵn lòng của CCCS xem xét các biện pháp khắc phục khi điều kiện thị trường thay đổi. Grab cam kết định giá hợp lý và chưa tăng giá vé kể từ giao dịch mua lại Uber. Grab sẽ tiếp tục tuân thủ mô hình định giá trước giao dịch của chúng tôi đồng thời đối thoại với CCCS và cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) để tạo ra một sân chơi bình đẳng”.
Riêng về thị phần, Grab cho rằng CCCS đã lấy một định nghĩa rất hẹp để kết luận về thị phần cũng như tác động của thương vụ đến tính cạnh tranh của thị trường. Theo hãng này, thị trường vận tải cần tính chung cả xe taxi truyền thống lẫn gọi xe, vì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền chọn lựa giữa các dịch vụ này.
Tại Việt Nam, ngày 27/3, cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (bộ Công Thương - Việt Nam) cũng đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thông tin để làm rõ.