Chuyện nâng chén mừng xuân vốn không xa lạ gì với người Việt, tuy nhiên những năm gần đây, câu chuyện này lại đang có những vấn đề nhức nhối khi cứ mỗi độ Tết đến, xuân về lại có hàng loạt những trường hợp ngộ độc cấp cứu vì rượu, tai nạn giao thông, xô xát vì rượu.
Câu chuyện đầu xuân cũng vì thế mà ít nhiều thoảng nét buồn. PV báo Người Đưa Tin cũng đã có cuộc trò chuyện với GS.Đặng Vũ Cảnh Khanh- Viện trưởng viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển xung quanh vấn đề này.
Thưa GS., trong những ngày đầu xuân, chén rượu là điều không thể thiếu để kết giao, để tăng thêm phần thân tình giữa người với người. Dường như điều này đang bị lạm dụng khi đi đâu cũng thấy “chén chú chén anh”, ép rượu, thách rượu và “nát rượu”… GS. nghĩ sao về điều này?
Tôi còn nhớ một tích truyện dân gian, có một ông nho sĩ từ quê ra thành phố, nhìn thấy trong quán có mấy thanh niên ngồi uống rượu với nhau nên cũng vào uống. Sau đó, ông ta đến quầy rượu gọi rượu rất ngon rồi mang ra đầu hè rửa chân. Ông bảo uống rượu như thế thì phí đi, thà đem rượu đi rửa chân còn hơn. Uống rượu phải có văn hóa.
Người xưa rất coi trọng việc uống rượu, không phải uống xô bồ, uống tùy tiện mà phải uống có văn hóa. Nếu uống mà không hiểu, không cảm được cái hay của rượu, uống một cách xô bồ như vậy thì thà đem rượu rửa chân còn hơn.
Người xưa rất coi trọng chuyện uống rượu một cách có văn hóa, gọi đó là “tiên tửu”, uống với ai, uống như thế nào cũng là một cách thể hiện tính cách, vị thế và cả sự thanh tao của một con người. Vì vậy, chuyện “uống để chết” đã bị lên án từ rất lâu rồi.
Thưa GS. uống rượu một cách có văn hóa, theo quan niệm của người xưa là gì?
Trước hết, phải quan niệm uống rượu là cái gì đó thanh cao, làm tâm hồn thoải mái. Tùy theo sức khỏe của mỗi người, có người uống được nhiều, có người uống được ít. Ngày xưa người ta uống rượu thế nào?
Nếu uống say quá thì người ta phải buộc chân vào chân bàn, ghế để khỏi đổ, ngã nghiêng. Người ta gọi đó là “tù ẩm”, tức là uống như người tù vậy. Còn uống rượu thâu đêm suốt sáng, uống không biết gì nữa thì người ta gọi là “quỷ ẩm”, uống như ma quỷ vậy. Còn lãng mạn quá, người ta leo lên cây cao uống với nhau thì gọi là “sào ẩm”, tức là uống trên tổ chim (sào). Còn uống say quá mà chết thì gọi là “liễu ẩm”, uống đến tiêu đời thì thôi.
Những dạng đấy là biểu hiện tâm trạng của con người trong cách uống rượu. Thậm chí đến như cụ Lý Bạch còn tự phụ nói về thứ “tiên tửu” của mình rằng “cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”, có nghĩa là văn hóa uống rượu thậm chí còn cao chẳng khác gì đạo thánh hiền vậy, cao tới mức các vị thánh hiền có thể “tịch mịch” cả nhưng danh tiếng của kẻ uống rượu thì vẫn còn lưu mãi.
Ngày xưa, uống rượu là văn hóa thanh cao, còn bây giờ, rõ ràng nhiều người không hiểu được hoặc hiểu sai lệch về điều này.
Thực tế, thời gian cận Tết và sau Tết, có nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc rượu, có những trường hợp đã tử vong. Chưa kể đến những vụ tai nạn giao thông, những vụ xô xát, ẩu đả vì có liên quan đến rượu. Thói quen cứ ngồi với nhau là phải uống đang khiến rượu trở nên xấu xí với nhiều người. Theo GS. việc này nên nhìn nhận ra sao?
Đó là sự ngộ nhận. Gặp nhau là cứ phải uống rồi ép nhau uống, có gì hay? Uống hơn người khác được dăm ba chén, hoặc ép người ta uống với mình thêm vài chén đến mức có thể “liễu ẩm” thì để làm gì. Họ không nhìn thấy những cái hệ lụy từ việc uống rượu, họ tưởng cái đó có trong văn hóa nhưng hoàn toàn không phải như vậy.
Uống mà không hiểu thì làm khổ mình, khổ người, lại còn mang tiếng uống vào rồi lại phải tìm cách cho rượu ra. Bản thân rượu không xấu, nó được làm ra là để tăng sự hưng phấn cho con người chứ không phải để uống tùy tiện như vậy.
Trong những ngày đầu xuân, xung quanh chén rượu ngày Tết, GS. có lời chúc gì tới những người “thích rượu” và “yêu rượu”?
Trong những ngày đầu xuân, tôi cũng mong rằng, mỗi người nên uống rượu theo tửu lượng của bản thân, đem lại sự hưng phấn chứ không phải là sự tai hại để mất đi niềm vui cho bản thân và gia đình.
Xin cám ơn GS!
Đỗ Huệ