Giới báo chí vẫn gọi GS.TSKH Đặng Hùng Võ là “người của công chúng”. Ông dễ gần, bình dị ngay từ
> Chuyện "bôi bẩn" đồng nghiệp của báo Sài Gòn Giải phóng & Phụ nữ TP HCM |
khi còn đương chức và vẫn cuốn hút báo giới khi đã nghỉ hưu với góc nhìn sắc bén của chuyên gia. Muốn ghi nhận một khía cạnh thật “đời” niềm hạnh phúc mới của ông “bố mọn”, chúng tôi đã có cuộc hẹn gặp ông tại tư gia - một ngôi nhà bình lặng dưới rặng hoa điệp vàng.
Gia đình hạnh phúc của GS Đặng Hùng Võ
“Trung ngôn thì nghịch nhĩ”, lắm người không ưa
Đúng hẹn, chúng tôi đến nhà riêng gặp GS.TSKH Đặng Hùng Võ. Sau cuộc điện thoại, vị nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT chạy chân đất ra mở cửa đón khách với dáng vẻ tất bật nhưng nụ cười thật tươi, ánh mắt sáng ngời hạnh phúc. Ở tuổi gần 70, ông trở thành “bố mọn” với cô con gái xinh xắn Kha Du mới 7 tháng tuổi. Bà ngoại đến chăm cháu, nhà ông không có người giúp việc nên người nào cũng bận rộn khi có thêm một thiên thần nhỏ. Ông vốn là người nói thẳng, nên mọi quan điểm ông chia sẻ với chúng tôi thật thoải mái, cởi mở, một cách riêng rất… Đặng Hùng Võ.
Đúc kết cả một đời, ông tự nhận mình là người: “Trung ngôn thì nghịch nhĩ, tính tôi nó vậy. Đi học thầy cô không ưa, đi làm chẳng được mấy thủ trưởng quý, thời còn làm việc, lãnh đạo các địa phương cũng không thích vì...tội ông hay nói thẳng”. Trong ký ức của GS Võ: “Tôi luôn bị thầy cô bực mình vì cách phản ứng thẳng thắn, nếu thầy cô có giảng dạy điều gì chưa ổn, không phản ứng thì cũng thể hiện vẻ thờ ơ. Tôi còn hay đưa ra những câu chuyện tự “phóng tác” để cười... Tất nhiên, tôi chẳng dại gì kể chuyện cười đó ra nhưng rồi cuối cùng cũng đến tai thầy, cô qua nhiều kênh khác nhau. Có lẽ vì thế mà mình chẳng được thầy, cô nào quý mến".
Ấn tượng đọng lại của thời học sinh có lẽ là năm học lớp 7, thầy, cô dạy môn nào cũng muốn thành lập các tổ ngoại khóa để thu hút các học sinh ham học tập thêm. “Lần nào, tôi cũng thực lòng giơ tay đăng ký nhưng chẳng được thầy, cô lựa chọn. Khi ấy, tôi có buồn đôi chút nhưng rồi lại tìm một chuyện cười gì đấy để quên đi. Về sau khi đã nghỉ hưu, có gặp gỡ một vài thầy, cô cấp III trong dịp gặp mặt lớp cũ, không ai nhắc lại chuyện ngày xưa nữa, chỉ nói toàn chuyện thời sự bây giờ”, ông Võ kể.
Con người có thể thay đổi nhiều thứ, nhưng tính cách có lẽ khó đổi. Khi còn là Thứ trưởng ông vẫn nói thẳng, nói đúng sự thật, và bây giờ cũng giữ tính cách ấy. Trong vụ đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng (vụ Đoàn Văn Vươn) vừa qua, ông có những phát biểu “nghịch nhĩ” về cán bộ địa phương. Nhưng đó là cách nói thẳng của người lấy phương châm thẳng - thật làm nguyên tắc sống. Tuy nhiên, ông cũng thật “nhạy cảm” khi thấy trên những tờ báo mạng có đăng bài viết của ông cùng với các bình luận của độc giả. Có vài độc giả bình luận đại ý rằng, ngày xưa đương chức thì không nói, giờ về hưu mới nói. Ông cũng buồn vì điều này, vì từ xưa đến giờ chưa bao giờ ông biết... “ngậm miệng ăn tiền”.
Có lẽ, một trong những câu chuyện điển hình của “lời nói thẳng” phải kể đến chuyện ông Đặng Hùng Võ thẳng thắn nói với lãnh đạo Hà Nội rằng: “Hà Nội đang vi hiến”. Thứ nhất, Hà Nội không cho những người ngoại tỉnh về mua nhà đất tại Hà Nội, trong khi Hiến pháp nói con người có quyền tự do cư trú. Hơn nữa, Luật Đất đai cho phép hộ gia đình, cá nhân có quyền chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đất đai không có điều kiện nào liên quan đến hộ khẩu. Như vậy, Hà Nội vừa vi phạm Hiến pháp, vừa vi phạm Luật đất đai. Ngày ấy, tôi biết lãnh đạo của Hà Nội rất bực mình nhưng tôi nói đúng nên cơ chế cứ mở dần và cho đến nay, ai ở ngoài Hà Nội có tiền đều được mua nhà đất và đăng ký hộ khẩu”. Hay như câu chuyện về cơ chế trước đây Hà Nội thu thẳng 20-30% quỹ nhà từ các dự án đầu tư nhà ở để sử dụng cho nhu cầu riêng của địa phương, nghĩa là dự án phải cống một phần nhà cho Hà Nội. Ông Võ lên tiếng nói rằng Hà Nội đã tự đặt ra "lệ làng", không theo một quy định nào của pháp luật. Ông còn nói đó chính là nguyên nhân làm giá nhà đất ở Hà Nội tăng cao vì người mua nhà ở phải trả cả tiền cho khối lượng nhà mà Hà Nội đã lấy đi từ các dự án đầu tư. Sau đó, Hà Nội từng bước thay đổi cơ chế này, và đến nay đã xóa bỏ hoàn toàn cơ chế đó.
Đó là câu chuyện, ông Võ đã “chơi” Hà Nội rất nặng vào khoảng năm 2004 - 2005. Nhưng sau đó cũng có câu chuyện thú vị, “khi tôi về hưu, đồng chí Lê Quý Đôn khi ấy là Phó Chủ tịch UBND Thành phố có mời tôi một bữa cơm rất sang trọng để tạm biệt. Ngồi ăn, anh Đôn có nói một câu rất thực: “Chúng tôi rất thừa nhận anh giúp cho Hà Nội giải được nhiều vấn đề "hóc" về đất đai, nhưng thực sự anh cũng nhiều lần gây khó cho Hà Nội, dồn chúng tôi vào thế bí!"”. Mới hay, dù ở bất kỳ cương vị nào ông Võ cũng nói thẳng, dù biết sự thật mất lòng.
Không lệ thuộc vào tiền
Ông Đặng Hùng Võ có lẽ là một trong số ít những người khi đương chức công khai thu nhập của mình. Ngày còn là Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông không ngần ngại công bố lương của ông được 5 triệu, đi họp được thêm 2 triệu /tháng. Sau nhiều năm “phục vụ” Nhà nước, ông tích cóp được 1 tỷ để mua chiếc xe ô tô Fortuner đang đi. Ông khẳng định không bao giờ để mình và gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, bởi nghèo thì sẽ hèn. “Một kỹ năng rất cần của con người là phải biết kiếm tiền, phải biết chủ động trong cuộc sống của mình. Nhưng cũng đừng rơi vào hoàn cảnh suốt ngày chỉ mướt mải kiếm tiền. Bởi con người còn cần nhiều thứ khác hơn cả tiền”, ông Võ nói.
Tự nhận mình là người không giàu, ông Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, không nhất thiết phải kiếm thật nhiều tiền. Ông luôn cảnh giác với tính “hai mặt” của đồng tiền. “Không có tiền mình dễ lạc đường vì phải theo người khác vì miếng ăn. Nhưng có tiền cũng dễ bị lạc đường vì sự vô cùng của dục vọng. Sự lạc lối do nhiều tiền sẽ phức tạp hơn”, ông Võ chia sẻ. Ông bảo: “Tôi đã giúp rất nhiều người, nhưng có một nguyên tắc đã giúp thì đừng bao giờ nghĩ mình phải nhận được gì. Triết lý sống của tôi cũng đơn giản, mình đã giúp người mà nhận lại gì...là hỏng. Có người nói “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhiều người tán đồng và coi đó là chân lý thời nay. Tôi thì khác khi muốn chứng minh câu nói đó không hoàn toàn đúng. Ít nhất có một người không mua được bằng tiền, cũng sẽ không mua được bằng rất nhiều tiền”.
Thời là du học sinh ở Ba Lan, ông Võ đã kiếm được nhiều tiền, chúng tôi đặt giả thiết, nếu làm doanh nghiệp ông Võ sẽ rất giàu. Ông nói: “Đó là điều chắc chắn. Nhưng chính tôi không muốn mình quá giàu, mà phải bươn chải theo đồng tiền. Tôi biết điểm dừng, có từng ấy tiền về có thể mua được một hay vài cái nhà ở Hà Nội. Tôi mua cái nhà để ở, cái để dự trữ tiền để sau này không chịu bất cứ áp lực nào từ đồng tiền.”
Cho đến bây giờ, ông vui với công việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, mà không thích làm việc cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp Việt Nam thường phải chạy theo những mối quan hệ phức tạp để có công việc. “Các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao cả tài và tâm của tôi. Viết gì cũng sâu sắc, nói gì cũng thành tâm, làm gì cũng trách nhiệm. Tôi chỉ nhận hợp tác làm những việc cần tới chất xám ở khu vực nghiên cứu và không bao giờ mặc cả được bao nhiêu tiền. Không có tiền tội vẫn làm nếu thấy việc đó có nghĩa. Đểnh đoảng vậy nhưng vẫn nhận được nhiều tiền vì các Tổ chức Quốc tế họ biết rõ giá trị của chất xám. Ba năm qua, tôi chủ trì một nghiên cứu và tham gia một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới thì cả hai nghiên cứu này đều được giải thưởng của Ngân hàng Thế giới. Tôi thấy rất vui vì một tổ chức Quốc tế lớn đã công nhận kết quả nghiên cứu của người Việt Nam. Thế là đủ!", ông nói rất say sưa về những việc đang làm.
GS Đặng Hùng Võ cùng nghệ sĩ nhạc dân tộc Nguyễn Hồng Aánh (Nhóm Cỏ lạ)
Tin vào tướng số làm điều tốt cho con
Ông là người “dị tướng” nhưng sao ông lấy vợ lần nào cũng đều là những phụ nữ đẹp. Lý giải cho sự “tốt duyên” của mình, ông nói: “Các cụ xưa nói gái tham tài, trai ham sắc mà. Nhưng tôi lại không coi cái đẹp là số 1 mà quan trọng là chiều sâu của cái duyên, đó mới là cốt yếu. Ở với nhau phải cảm thấy dễ chịu, cần đến nhau. Với ông, tình yêu không có chuyện tuổi tác, cần sự dung hòa và cái gì đó lớn hơn tình bạn”.
Và kết quả của tình yêu không tuổi tác từng rất nổi tiếng ấy là bé Kha Du mới được 7 tháng tuổi. Cái tên Kha Du của cô con gái yêu của ông Võ là một câu chuyện thú vị. Ông khẳng định mình là người tin vào tử vi và tướng số: “Tôi tin vì tôi có nghiên cứu về nó. Nhưng tôi không huyễn hoặc đến mức quá đáng. Nó đúng ở một phạm vi nhất định thôi vì có quy luật. Nếu mình biết dùng, nó sẽ có tác dụng tốt.”
Một trong ứng dụng đầu tiên của niềm tin ấy là việc đặt tên cho bé Kha Du hay chỉ ứng dụng trong tính ngày động thổ, đổ trần khi sửa ngôi nhà hiện tại. Ông nói: “Tôi chưa khẳng định việc đặt tên theo luật về âm dương ngũ hành, kinh dịch, lý số có làm cho đứa trẻ tốt lên hay không. Rất nhiều sách cho là tốt. Nhưng tôi làm việc ấy vì trách nhiệm của mình với con gái. Căn cứ vào lý số, tôi đã chọn ra mấy chục cái tên, còn mẹ của cháu sẽ quyết định chọn tên cụ thể nào. Quan điểm của mẹ cháu là tên không “đụng hàng” với trẻ khác, hay tên phải "vô thường". Vì vậy, mẹ cháu đã chọn tên Kha Du trong tổng số những cái tên tôi tạo ra từ thuyết lý số.”
Cũng theo GS Võ chia sẻ thì ông tính theo họ Đặng, có bao nhiêu cách đặt tên đệm là tốt nhất, rồi lại lựa ra những phương án thuận lý của ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mà chọn...”Kết quả là tôi lập ra một bảng độ khoảng vài chục cái tên tính theo tổ hợp. Tất nhiên, trong bảng đó phải loại đi các tên mà đọc lên nghe không chướng quá. Đó chính là luật lí số mà tôi nghiên cứu có thể coi là hợp lí và yên tâm”, ông vui vẻ nói bí quyết.
Mày mò đặt tính từng nét chữ để đặt tên cho con gái để chọn ra một dãy dài những tên cho vợ chọn lựa. Chúng tôi bông đùa, chắc ông phải mất nhiều đêm thức trắng, ông cười: “Tôi vẫn có thói quen làm việc rất khuya. Tôi làm việc đến 4h sáng. Ngày hôm sau, nếu ngủ đẫy giấc thì 8h, có việc thì dậy sớm hơn. Việc thức khuya không ngại với tôi”.
Làm việc công tâm vẫn bị... lâm nạn
Có lẽ, ông đặt ra cho mình nguyên tắc của mối quan hệ với đồng tiền cũng vì những chuyện buồn đã diễn ra trong đời. Năm 8 tuổi, gia đình ông rời Hải Phòng về quê sinh sống ở Gia Lâm, Hà Nội. Cái sự giàu đã làm khổ cả nhà ông. Mà, nhà ông có giàu lắm đâu nhưng vẫn bị quy là địa chủ và bị đối xử rất tệ. “Trước cảnh đó, tôi quyết định bỏ làng đi trọ học. Tôi lặn lội một mình từ đó, với một con người đó là điều không dễ quên. Sổ tử vi của tôi là thân lập thân, nên cũng đúng”, ông chia sẻ.
Cũng là chuyện đồng tiền, thời ông còn là Thứ trưởng, có sự hiểu lầm liên quan đến quyết định bán đấu giá vườn cao su ở Bình Dương từ 10 năm trước. Ông có công văn nói rằng, việc công nhận quyền sử dụng đất cho những người trúng đấu giá là đúng. Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ đấu giá cây cao su thôi chứ không có đất... Ngày ấy, có báo đã đặt vấn đề rằng "cả tỷ đồng sau cái bắt tay giữa Bộ và tỉnh Bình Dương để ra cái công văn đó", tức là cho rằng ông Đặng Hùng Võ đã nhận nhiều tiền để ra cái công văn đó. "Tôi phải ngồi đối mặt với Cơ quan cảnh sát điều tra cả tuần liền. Lúc ấy, tôi có cảm giác rất buồn, nói đúng pháp luật mà bị kết luận sai, là chuyên môn bị lấm. Tôi có cảm giác mạnh với điều đó. Một cán bộ lăn vào giúp địa phương giải quyết công việc sao cho công bằng thì dễ lâm nạn lắm. Thế rồi mọi việc cũng qua, tôi được “minh oan” là không có quan hệ tiền nong gì với địa phương. Cứ nói đến tiền xen kẽ vào công việc là tôi lại cảm thấy nhảm nhí”, ông tâm sự. Đúc kết đời mình, những gì liên quan đến tiền, ông khẳng định: “Tôi gặp oan trái nhiều nhưng không vì thế mà bi lụy, quan trọng là biết bước qua để đi tiếp
Từ chối làm... “triệu phú đô la” Ông Võ kể: “Khi đương chức, đã có doanh nghiệp xin gặp và nói rằng, nếu tôi phê duyệt cho toàn ngành sử dụng một phần mềm quản lý đất đai ở tất cả các xã, phường, thị trấn thì sẽ được cắt phần trăm, nhân lên với hơn 10.000 xã thì triệu phú đô la cầm chắc. Nhưng tôi đã mời vị khách đó ra khỏi phòng. Đấy là nguyên tắc làm người của tôi.” Thích hợp làm việc với báo chí “Tôi thích làm với giới báo chí vì muốn góp sức mình vào nâng cao dân trí. Tôi vẫn tham gia giảng dạy ở nhiều trường đại học, cũng là đưa lại tri thức cho thế hệ sau. Hiện tôi đang hướng dẫn 10 nghiên cứu sinh cho nhiều trường đại học, có ba người đã bảo vệ thành công. Trong đó, có một người bảo vệ tại châu Âu và được mời giảng dạy tại một trường Đại học của Canada. Công việc đưa kiến thức theo chiều rộng qua báo chí và theo chiều sâu qua các trường đại học cũng vui lắm, mình sống có ý nghĩa”, “Không có tiền mình dễ lạc đường vì phải theo người khác vì miếng ăn. Nhưng có tiền cũng dễ bị lạc đường vì sự vô cùng của dục vọng. Sự lạc lối do nhiều tiền sẽ phức tạp hơn” - GS Võ tâm sự |
Vương Hà