Phóng viên đã phỏng vấn GS Đặng Hùng Võ về thông tin các môi giới bất động sản mời chào bán những căn hộ có diện tích từ 31 - 57m2, được chia nhỏ từ các văn phòng cho thuê ở khu chung cư Nam Xa La - Hà Nội.
Thưa GS Đặng Hùng Võ, gần đây việc một số nhân viên môi giới nhà đất tại Hà Nội đã mời chào những căn hộ có diện tích từ 31 - 57m2 của chung cư Nam Xa La, theo thông tin từ các nhân viên môi giới này thì đây là những căn hộ được chia nhỏ từ văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại. Ông có bình luận như thế nào về việc làm này?
Đây là một dự án về trung tâm thương mại mà chủ đầu tư chuyển sang thành nhà ở để bán nên chắc chắn vấn đề pháp lý của việc chuyển này là chưa được thực hiện. Mặc dù có được bán rẻ thì người mua những căn hộ đó sẽ không thể làm được Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Đó chính là rủi ro pháp lý cao nhất bởi như vậy không thể coi đó là tài sản của mình.
Ảnh minh họa
Theo ông, người mua nhà sẽ phải chú ý những điểm gì khi đi mua nhà, tránh mua phải những căn hộ mà không đảm bảo tính pháp lý như vậy?Thứ nhất, chúng ta phải tìm hiểu và biết được đầy đủ các thủ tục trước đây chủ đầu tư đã thực hiện và căn hộ hiện nay đang hoàn thành so với thiết kế ban đầu là như thế nào. Tất nhiên, để biết được những thông tin này không dễ.
Chúng ta phải biết được hồ sơ được duyệt ra làm sao và các thông tin khác liên quan đến dự án, cách tốt nhất nên hỏi các cơ quan quản lý xem với dự án như vậy, hiện nay hoàn thành rồi thì nó là thế nào và các cơ quan quản lý phải có trách nhiệm trả lời với căn hộ như vậy mà người dân mua thì liệu chuyện giấy tờ có làm được hay không.
Tôi cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước không trả lời được người dân chuyện này thì chắc chắn khuyết điểm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng trước khi mua, chúng ta phải tìm hiểu thông tin đầy đủ về dự án, tính pháp lý của dự án.
Thưa ông, thông tin từ một sàn môi giới bất động sản cũng cho biết hợp đồng mà họ ký với chủ đầu tư là hợp đồng sang nhượng ki-ốt chứ không phải là mua bán căn hộ, vậy trong trường hợp này, rủi ro pháp lý mà người mua gặp phải là gì?
Ki-ốt là một nơi để bán hàng, được sử dụng vào mục đích thương mại còn căn hộ là nơi để ở nên hai tính chất, công năng này hoàn toàn khác nhau. Thế nên, khi giao bán đây là một ki-ốt để bán hàng hoặc với mục đích thương mại thì khác với việc là căn hộ dùng để ở.Nếu gọi là bán ki-ốt trong trung tâm thương mại thì người mua cũng chỉ được dùng để kinh doanh chứ không thể để ở được. Điều này được quy định rất rõ ràng trong pháp luật về nhà ở cũng như pháp luật về đất đai.
Thưa ông, trong trường hợp này trách nhiệm của sàn giao dịch khi họ công bố bán những căn hộ này thế nào?
Tất nhiên, nếu sàn giao dịch thông báo đây là bán ki-ốt để bán hàng trong một trung tâm thương mại thì sàn giao dịch không có khuyết điểm. Nếu chủ đầu tư ký kết với sàn giao dịch cũng với thông tin như thế thì chắc chủ đầu tư cũng không sai phạm. Thế nên, chúng ta phải xem giấy tờ mua bán là mua căn hộ hay là mua ki-ốt trong trung tâm thương mại. Nếu người mua vẫn đặt bút ký với thông tin là ki-ốt trong trung tâm thương mại mà lại dùng vào việc ở thì đó lại là trách nhiệm của người mua.
Vậy ông có lời khuyên gì cho những người mua nhà để tránh tình trạng tiền mất tận mang?
Nếu người dân mua những ki-ốt đó tại sàn giao dịch thì sàn giao dịch phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ và có những cam kết về pháp lý với người mua. Sàn giao dịch phải chịu tất cả trách nhiệm về giấy tờ này. Thế nên người mua phải hỏi rất rõ thông tin cụ thể đây là loại đất để làm gì, dự án ra làm sao, phê duyệt có thời hạn hay không có thời hạn, cụ thể là xây dựng nhà ở hay trung tâm thương mại.
Tôi cho rằng nếu người dân thực hiện và hiểu rõ, đầy đủ tính pháp lý của từng giai đoạn của từng loại giấy tờ thì cũng không đến mức quá rủi ro.
Xin cảm ơn ông!