Ngày 28/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV tiến hành ngày làm việc cuối cùng. Nội dung chính là phê chuẩn việc bổ nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp cao và thông qua nhiều nghị quyết về chương trình, kế hoạch quan trọng.
Bên hành lang Quốc hội chiều 28/7, GS.BS - ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã có một vài chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Ông Trí vui mừng bày tỏ, lần đầu tiên một ý kiến được đưa ra và nhận được sự đồng thuận, nhất trí rất cao trên nghị trường, đó là ý kiến đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về phòng chống Covid-19.
"Rất nhanh chóng, Chủ tịch Quốc hội triệu tập và chủ trì cuộc họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có mời Uỷ ban Xã hội xem xét, rồi chỉ đạo các bộ phối hợp cho ý kiến để cuối cùng có được nội dung về phòng chống dịch trong Nghị quyết kỳ họp lần này. Tôi cho rằng, đây là điều đặc biệt vô cùng, là một trong những thành công nhất của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV; bởi theo thông lệ, nghị quyết của Quốc hội thường phải được chuẩn bị hàng năm", ông Trí nói.
Vị ĐBQH là thầy thuốc nhân dân, anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, phải thừa nhận thời gian vừa qua, trước tình hình dịch bệnh diễn tiến nhanh và phức tạp, rất nhiều việc bắt buộc phải làm ngay, khác quy định của pháp luật trong hoàn cảnh bình thường.
"Trong đó, chủ trương của Quốc hội cho phép Chính phủ, các tỉnh thành, các bộ ngành, tuỳ điều kiện, được chủ động giải quyết các vấn đề của mình trong phòng chống dịch, là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và phù hợp tình hình thực tiễn", đại biểu Trí nhận định.
Trước đó, nêu ý kiến tại hội trường sau khi nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, ông Nguyễn Anh Trí từng phát biểu, Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết khẩn cấp về phòng chống đại dịch Covid-19.
Khi được hỏi thêm về vấn đề một số người dân hiện nay có xu hướng tự phòng chống, thậm chí tự chữa Covid-19 tại nhà bằng thuốc paracetamol, uống chanh, sả, gừng... theo các chia sẻ trên mạng xã hội, bác sĩ Nguyễn Anh Trí đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng.
Ông Trí nói, cho đến bây giờ chưa có thuốc đặc trị để chữa các bệnh do nguyên nhân từ virus mà chủ yếu dùng các biện pháp hỗ trợ.
"Các biện pháp xông, uống chanh, sả, gừng...; đặc biệt dùng một mình parecetamol để chữa Covid-19 là chưa đúng nhưng dùng để hỗ trợ thì đúng", ĐBQH đoàn Hà Nội khẳng định.
Theo đó, các thảo dược như chanh, sả, gừng không có tác hại đến sức khoẻ, cũng không gây tốn kém tiền của, có thể sử dụng để tăng sức đề kháng. Nhưng riêng Paracetaol là một loại thuốc tây, nếu dùng không đúng cách hoặc quá liều thì sẽ gây tác hại cho sức khoẻ.
Đồng thời, bác sĩ Trí cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự điều trị bằng cách đọc thông tin trên mạng vì những thông tin ấy chưa được kiểm chứng, trong khi thuốc men điều trị trên cơ thể người có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí tính mạng.
Tuân thủ quy định của bộ Y tế, tránh mỗi nơi quy định xét nghiệm một kiểu
Hiện nay có tình trạng một số cơ sở y tế tiến hành xét nghiệm Covid-19 khác nhau, địa phương này không công nhận kết quả xét nghiệm của địa phương kia. Theo GS.BS Nguyễn Anh Trí, giá trị của từng loại xét nghiệm là khác nhau về cả ưu điểm và nhước điểm.
Xét nghiệm nhanh (Quick test) có ưu điểm là thực hiện nhanh, chỉ trong vòng 30 phút, nhưng nhược điểm là độ chính xác chỉ 70%, phù hợp dùng trong trường hợp sàng lọc bước đầu ở các hoạt động xe đi trên đường, hàng hoá nhập khẩu...; Còn để theo dõi bệnh tật trong bệnh viện thì nhất thiết phải sử dụng xét nghiệm PCR
"Hiện nay bộ Y tế cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh tại các labo trong nước do Bộ cấp phép, từ cấp xã trở lên, có giá trị 3 ngày. Tôi cho rằng đây là quyết định hợp lý phù hợp trong hoàn cảnh bây giờ, các tỉnh thành nên công nhận kết quả xét nghiệm được thực hiện tại các labo trên và hãy làm theo khuyến cáo của bộ Y tế để tránh tình trạng ách tắc hàng hoá do mỗi nơi chấp nhận một kiểu xét nghiệm", ông Trí nói.