Pv Người đưa tin có buổi trò chuyện với GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu châu Âu, viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và nghe ông đánh giá những chính sách quân sự Mỹ tại Trung Đông dưới thời ông Donald Trump.
Trong tuyên bố mới nhất của mình về chính sách quân sự, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump cam kết “sẽ dừng cuộc rượt đuổi nhằm lật đổ tới chế độ nước ngoài”, ông đánh giá sao về tuyên bố này?
Tuyên bố này thành sự thật đồng nghĩa với việc ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên không đi vào vết “xe đổ” Trung Đông. Như tình hình hiện nay, chính quyền đương nhiệm Obama vẫn đang can thiệp vào cuộc chiến Syria, nhưng vai trò của Mỹ dường như rất mờ nhạt.
Nếu quan sát kỹ về động thái của các bên tham gia chiến sự tại Syria giai đoạn này sẽ nhận thấy sự ngập ngừng của Mỹ, bởi chỉ còn vài tuần nữa ông Donald Trump chính thức vào Nhà trắng. Mỹ có thể sẽ ít quan tâm nhiều hơn nữa tới hồ sơ Syria, nhất là khi Tổng thống tương lai của Mỹ đã úp mở sẽ bắt tay với Moscow. Lúc này liên minh ủng hộ lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria đang gần như tê liệt cả trên mặt trận ngoại giao cũng như trên chiến trường.
Vậy từ căn cứ nào chúng ta có thể thấy, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ “bắt tay” với Nga trong vấn đề Trung Đông?
Hồi giữa tháng 10, con trai của tỉ phú Donald Trump đã có cuộc gặp với bà bà Randa Kassis, chính trị gia Syria thân Nga, tại thủ đô Pháp. Cuộc gặp gỡ giữa con trai ông Trump và một chính trị gia Syria thân Nga khiến nhiều người thêm tin vào khả năng chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump sẽ đứng về phía Nga trong cuộc xung đột Syria.
Thêm vào đó, đầu tháng 12, bà Kassis chia sẻ về cuộc họp thông qua Facebook, nói rằng: “Phe đối lập của Syria có niềm tin rằng Nga và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận về cuộc khủng hoảng ở Syria vì thắng lợi của Tổng thống đắc cử Trump. Niềm hy vọng và niềm tin này chính là kết quả của cuộc gặp gỡ cá nhân giữa tôi và Donald Trump Junior tại Paris vào tháng 10”.
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã ca ngợi Nga và chế độ Syria vì đã dốc hết sức “chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS”. Có thể, Moscow sẽ lợi dụng cơ hội này để tạo được nhiều nhất sự việc đã rồi trước khi chính quyền Donald Trump đi vào hoạt động và trước khi chơi lá bài đàm phán.
Nguyên nhân nào dẫn đến sự “rút lui” của chính quyền Mỹ tới đây tại Syria?
Thứ nhất, với Tổng thống đắc cử Donald Trump, người được bầu với trách nhiệm phải đưa nước Mỹ thoát khỏi chủ nghĩa tân bảo thủ sang một trang sử hoàn toàn mới, việc từ chối tiến hành cuộc chiến thứ ba tại Trung Đông là hoàn toàn phù hợp với ý nguyện của cử tri Mỹ.
Thứ hai, khu vực Trung Đông, nơi Mỹ đã sa lầy trong thời gian dài, hiện không còn quan trọng về mặt chiến lược so với một thách thức khác là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Đối mặt với một đối thủ được đánh giá có nhiều tiềm năng như Trung Quốc, Washington đã ưu tiên cho việc duy trì quan hệ với Moscow ở một mức độ không quá thù địch.
Đây là đặc điểm điển hình trong chính sách quân sự, đối ngoại của Mỹ. Trong những năm 1970, để kiềm chế Liên Xô cũ, chính quyền Tổng thống Nixon đã bắt tay với Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, 40 năm sau, một mặt Mỹ dẫu vẫn không ngừng công kích Nga, nhưng mặt khác họ cũng đang tìm cách đưa Nga thoát khỏi thế cô lập thời hậu khủng hoảng Ukraine để kiềm chế Bắc Kinh.
Có thể nói rằng chính sách dè dặt, đôi khi thận trọng của chính quyền Trump tại Syria tới đây phần nào sẽ cho thấy những ưu tiên địa chính trị chiến lược của Mỹ. Quân sự Mỹ dưới thời Trump tới sẽ vượt xa khỏi khu vực Trung Đông, nơi mà một thời là sân sau quan trọng của nước này.
Phương Anh