Sáng nay 27/6 (tức ngày 14/5 năm Mậu Tuất), tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đã diễn ra Lễ viếng và truy điệu GS. Phan Huy Lê.
Ngay từ sáng sớm, rất đông người thân, bạn bè, học trò… đã có mặt tại nhà tang lễ Quốc gia để làm lễ viếng, lễ truy điệu tiễn biệt GS. Phan Huy Lê về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người đã không kìm nén được những giọt nước mắt tiếc thương vô hạn.
Hòa cùng dòng người có mặt tại nhà tang lễ Quốc gia, GS. Nguyễn Lân Dũng bày tỏ sự tiếc thương của mình đối với người anh đáng kính.
GS. Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: “GS. Phan Huy Lê đã ra đi, nhưng anh để lại cho nhân dân một tấm gương sáng là một người yêu nước, yêu dân. Điều đó, thể hiện rất rõ trong lễ viếng và truy điệu sáng nay (27/6) đông đảo lãnh đạo Đảng, Nhà nước không đến được thì đều gửi vòng hoa đến viếng, được học sinh các thế hệ biết ơn, đến tiễn đưa. Riêng tôi, tôi vô cùng đau xót vì GS. Phan Huy Lê như một người anh, luôn nghĩ đến em bé nhất là tôi trong khóa học. Tôi với GS. Phan Huy Lê đã sinh hoạt nhiều năm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… khó lòng có ai thay thế được vị trí của anh trong lòng tôi, với tất cả những kiến thức uyên bác.
Đặc biệt, đối với đồng nghiệp anh luôn luôn khiêm tốn, giúp đỡ làm sao cho lịch sử Việt Nam xứng đáng với vai trò của nó. Chính anh là người đấu tranh mạnh mẽ nhất trong việc không gộp môn Lịch sử và môn Địa lý, và để tất cả người dân Việt Nam thấy rằng vị trí của môn Lịch sử rất quan trọng. Sự ra đi của GS. Phan Huy Lê là sự mất mát quá lớn đối với tất cả chúng ta”.
Cùng chung cảm xúc nghẹn ngào, PGS.TS Hà Đình Đức chia sẻ: “Tôi là một người may mắn có nhiều dịp được đi cùng GS. Phan Huy Lê đến các cuộc hội thảo, với tôi GS. Phan Huy Lê là người có kiến thức uyên bác về lịch sử Việt Nam, là người rất gần gũi, thân thuộc không chỉ với tôi mà còn với tất cả mọi người. Anh đã ra đi, nhưng những gì mà anh để lại vẫn sẽ còn vang mãi”.
Dù không được học thầy, chỉ được học qua những trang sách, nhưng với chị Nguyễn Thị Oanh (Cựu sinh viên Khoa Đông Phương Học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) bày tỏ: “Dù chưa được học thầy, chỉ được học qua những trang sách, nhưng sự ra đi của thầy, GS. Phan Huy Lê khiến cho bao thế hệ học trò như chúng tôi tiếc nuối. Ngày hôm nay, khi có mặt tại đây chúng tôi thắp nén tâm nhang, mong thầy an giấc ngàn thu”.
Là một người học trò của thầy, anh Huy bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với người thầy đáng kính: “Đối với tôi, GS. Phan Huy Lê là một người thầy hết lòng yêu thương học trò, thầy luôn dành cho chúng tôi sự chỉ bảo ân cần. Thầy đã ra đi, nhưng những công trình nghiên cứu của thầy, những bài học lịch sử nước nhà của thầy vẫn còn mãi vẹn nguyên trong tâm trí của chúng tôi – những thế hệ học trò của thầy”.
GS., nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Cộng hòa Pháp), sinh ngày 23/2/1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là trụ cột của ngành lịch sử Việt Nam và đảm nhiệm nhiều chức vụ: Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1988-2016); Chủ tịch danh dự hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nguyên Chủ tịch hội đồng Khoa học và Đào tạo, đại học Quốc gia Hà Nội; nguyên Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa; nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ trung đại, khoa Lịch sử; nguyên chủ nhiệm khoa Đông phương học, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ nhiệm Đề án Khoa học Xã hội cấp Quốc gia Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam.
Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huân chương Cành cọ Hàn lâm (Cộng hòa Pháp), Giải thưởng Văn hóa châu Á Fukuoka (Nhật Bản)…
Photo: Thành Long