Liên quan đến tiêu cực sửa điểm thi THPT 2018 ở Hà Giang và Sơn La, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, có những lỗ hổng cần khắc phục.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh vấn đề trên, GS.TS Nguyễn Văn Thường, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Tôi nghĩ, chúng ta chỉ nên tổ chức kỳ thi đại học để giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
Còn cuộc thi tốt nghiệp THPT nên đơn giản, khi học sinh vào lớp 11, lớp 12 thì cho học theo tín chỉ. Khi các em học xong tín chỉ sẽ cấp cho bằng tú tài.
Như vậy cũng là chỉ tổ chức 1 kỳ thi, nó giải quyết được bài toán tiết kiệm, nhưng nghiêm túc, khách quan, lựa chọn được người có năng lực tốt cho các trường đại học”.
Vị Giáo sư nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ thêm: “Về đề thi, tôi nghĩ, trong 1 đề thi nên có cả trắc nghiệm và tự luận.
Trong đó, phần trắc nghiệm chiếm khoảng 60 – 70%, còn lại là thi tự luận.
Phần tự luận sẽ ra những bài khó, mang tính chất nâng cao, tổng hợp. Phần tự luận là để đánh giá người tài, lựa chọn học sinh và hạn chế bớt tiêu cực của chấm thi trắc nghiệm”.
Cũng theo GS.Thường: “Một cuộc thi nhằm 2 mục tiêu thì nhiều nước trên thế giới đã làm.
Ví dụ như ở Đức, cũng tổ chức 1 kỳ thi, thế nhưng họ làm trong điều kiện là trước đó đã phân luồng rất mạnh. Hết lớp 9 bắt đầu phân luồng, rồi lên lớp 10 và lớp 11 tiếp tục sàng lọc rất chặt chẽ.
Đến lớp 12 thì số lượng học sinh vào đại học, cao đẳng so với số lượng học sinh lớp 12 chênh lệch không đáng kể. Vì khi lên đến lớp 12 chủ yếu là các em có học lực tốt. Khi thi tốt nghiệp xong là người ta xét ngay vào đại học, chỉ còn khoảng chưa đến 10% bị trượt đại học. Cách làm như thế rất tốt.
Tuy nhiên, ở Việt Nam nếu áp dụng cách làm tương tự là không được. Bởi vì ở Việt Nam không phân luồng, không có sàng lọc.
Hơn nữa, trong 2 cuộc thi tốt nghiệp THPT và cuộc thi vào đại học thì cuộc thi tốt nghiệp THPT gần như từ trước đến nay có rất nhiều tiêu cực. Còn cuộc thi vào đại học thì chặt chẽ hơn”.