Hiện GS. Vũ Khiêu đang viết cuốn sách về "Văn hiến Thăng Long" dày hơn 2.400 trang, ông dự tính sẽ hoàn thành vào năm ông tròn 103 tuổi.
Tấm lòng với 5.000 người bạn
Giáo sư Vũ Khiêu tên thật là Đặng Vũ Khiêu, sinh ngày 19/9/1916. Với những cống hiến lớn lao cho đất nước, ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996). Năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và là vị Anh hùng cao tuổi nhất dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm ấy. Ở tuổi 98, ông vẫn miệt mài làm việc, cho ra đời những trang viết có giá trị sâu sắc. Bộ Tổng tập Văn hiến Việt Nam hơn 4.000 trang đồ sộ được ra mắt đúng dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đầu năm 2012, ông công bố tiếp cuốn "Trường Sơn máu lửa, vạn đại anh hùng" và tháng 5/2012, kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông lại cho xuất bản tập "Hồ Chí Minh - ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam".
Là một học giả uyên bác về văn hóa Đông - Tây, với tài năng và uy tín của mình, Giáo sư Vũ Khiêu từng là người đứng đầu viện Triết học, viện Xã hội học, viện Khoa học Xã hội và giữ trọng trách Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam trong nhiều năm.
GS. Vũ Khiêu kể: Ngày ấy, khi tôi đang ở trong một căn nhà chật hẹp ở phố Vạn Bảo (Hà Nội), Giáo sư Đào Nguyên Cát, cán bộ cao cấp của Đảng ở Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến đưa cho tôi một tờ giấy để tôi xin cấp một ngôi nhà rộng rãi hơn. Tôi đã từ chối. Anh Đào Nguyên Cát trách tôi và nói: "Bạn của anh vừa bán một ngôi nhà trị giá 5.000 cây vàng". Tôi trả lời: "5.000 cây vàng của anh ta làm sao bằng 5.000 người bạn của tôi. Không bao giờ tôi đổi 5.000 người bạn của tôi để lấy 5.000 cây vàng cả".
Đại diện dòng họ Đặng Việt Nam đến chúc thọ GS. Vũ Khiêu
Sẽ viết sách đến 103 tuổi
Tấm gương lớn của dòng họ Đặng Tại buổi chúc đại thọ GS. Vũ Khiêu bước sang tuổi 98, có rất nhiều con em dòng họ Đặng ở khắp các tỉnh thành đến thăm. PGS.TS Đặng Đình Bạch, Phó chủ tịch hội đồng gia tộc họ Đặng Việt Nam chia sẻ: "GS. Đặng Vũ Khiêu đặc biệt quan tâm đến các hoạt động khuyến học của dòng họ. Những đóng góp của bác quá lớn và đánh dấu ấn sâu sắc đối với dòng họ. Cuộc sống và sự nghiệp của giáo sư đã trở thành tấm gương sáng cho mỗi người trong dòng họ noi theo". |
Trong mấy năm vừa qua, ngoài việc đọc duyệt và góp phần biên soạn Tủ sách Ngàn năm Thăng Long gồm trên 100 cuốn, mỗi cuốn dày trên 1.000 trang, GS. Vũ Khiêu lại vừa chuyển tới Nhà xuất bản Hà Nội một bộ sách dày 2.400 trang mang tên là "Văn hiến Thăng Long". Đây là cuốn sách do ông lặng lẽ chấp bút từ trên 10 năm nay.
"Trước sự cổ vũ của bạn bè hôm nay, tôi lại xin bắt tay thực hiện một kế hoạch 5 năm nữa và hoàn thành vào năm tôi được 103 tuổi. Sự tính toán đó là của tôi. Còn sống chết là việc của Trời. Tôi chỉ biết hứa với bè bạn yêu quý của tôi là còn sống năm tháng nào thì làm việc hết năm tháng đó", GS. Vũ Khiêu tâm sự.
NSND Hoàng Cúc, người thường xuyên đến thăm GS. Vũ Khiêu nói: "Tôi đã đọc nhiều cuốn sách của GS. Vũ Khiêu viết và những tác phẩm viết về ông trước khi gặp. Một tối mưa xối xả đầu tháng 8, tôi đến thăm, xin GS. đặt tên cho cháu gái nội đầu lòng. Tôi kinh ngạc vì GS. có 5 thư ký, làm việc liên tục. Ở tuổi 98 mà GS. vẫn thúc bách cần sáng tạo, cần sản sinh tác phẩm đa dạng, sống đại lượng đức độ, thật quý hiếm vô cùng. Một nhà tâm linh uy tín bảo tôi: GS. Vũ Khiêu là người "cửa thiên". Ông đã vượt qua mọi giới hạn của đời thường để sống và cống hiến phi thường. Tôi xúc động, tự hãnh diện vì kỷ niệm vô giá mà GS. dành cho cháu tôi suốt cuộc đời. Chúc GS. vượt qua tuổi 100 thật minh mẫn, sức khỏe. Cảm ơn sự có mặt của bác trên đất nước này".
Những giải thưởng mà ông đã nhận rất cao quý nhưng ông không phô trương. Thời buổi mà không ít người coi trọng những "mác hiệu", học giả Vũ Khiêu lại luôn dùng bút gạch đi những câu từ có ý ca ngợi mình ở các bài viết mà ông có thể đọc duyệt. Danh thiếp của ông chỉ in tên "Vũ Khiêu" và số điện thoại, địa chỉ. Có dịp gần ông mới nhận ra sự giản dị cao quý của một học giả uyên bác, đáng quý.
Truyền "lửa" cho gia đình
Giáo sư Vũ Khiêu có 4 người con, mỗi người đều để lại dấu ấn của mình ở những lĩnh vực khác nhau. Con gái cả của ông là Đặng Thị Quỳnh Khanh, là một cử nhân ngành sử học. Người con trai thứ hai Đặng Vũ Cảnh Khanh - giáo sư, tiến sĩ ngành xã hội học. Người con thứ ba của giáo sư Vũ Khiêu tên Đặng Vũ Hạ, vốn là một kỹ sư vô tuyến điện và người con thứ tư tên Đặng Vũ Hoa Thạch là họa sĩ.
Đặc biệt, gia đình người con trai thứ hai của ông cũng khá nổi tiếng. GS. Đặng Vũ Cảnh Khanh (SN 1947) - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển, là tiến sĩ xã hội học đầu tiên của miền Bắc (năm 1986), ông học tại Sophia (Bungaria) với nhà xã hội học nổi tiếng thế giới Dobianov. Vợ của Đặng Vũ Cảnh Khanh - giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Quý, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và Phát triển, trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bà cũng là người đầu tiên nghiên cứu nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới.
Ở mỗi nghề nghiệp, các con của giáo sư đều là những người xuất sắc. Nhưng điều quan trọng nhất chính là trong cách sống họ đều giữ được cái nền văn hóa rất sâu đậm. Mọi người đều có cách ứng xử nhẹ nhàng và hợp lý trong cuộc sống.
Sống trong gia đình chồng đã được vài chục năm nhưng chưa một lần bà Quý chứng kiến các anh em to tiếng với nhau, đó chính là điều khiến bà cảm thấy sự khác biệt so với những gia đình khác. Ngay cả những anh em trong gia đình, dù là nhân viên hành chính, kỹ sư vô tuyến điện hay một họa sĩ thì họ đều có phong cách làm việc rất nghiêm túc và chỉn chu theo đúng nguyên tắc của giáo sư Vũ Khiêu.
Ông đã dạy cho những đứa con của mình cách đam mê, cách đắm say với công việc. Có lẽ không quá khi nói rằng, giáo sư Vũ Khiêu đã thành công trong việc truyền nhiệt huyết làm việc của bản thân cho những người con của mình.
Cao Tuân