Mấy ngày nay, báo đài lại liên tục đưa tin về tình hình mưa lũ ở miền Trung. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 30/10, các tỉnh miền Trung tiếp tục hứng chịu những trận mưa vừa, mưa to đến rất to khiến nơi đây biến thành biển nước mênh mông. Như vậy, chỉ trong tháng 10, quê hương các em đã phải hứng chịu nhiều đợt lũ lớn, liên tiếp. Mất mát này chưa tan, mất mát khác ập tới.
Mỗi khi nhìn về nơi chôn nhau cắt rốn của các em, tôi lại thấy thắt lòng. Nếu coi Việt Nam là bà mẹ với đỉnh đầu Tổ quốc là chiếc nón lá thân thương như nhà thơ nào đó đã từng so sánh thì miền Trung ắt hẳn là... cái bụng lép kẹp của bà. Làm sao không lép kẹp cho được khi lũ lên, nhiều gia đình ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) chỉ nấu được nồi cơm ăn với muối trắng. Thậm chí có nhà ngập tới 3m, người ta đành ăn mì tôm sống chống đói. Cũng làm sao no bụng được khi trong ngày lũ, cả nhà phải ăn vội bát mì tôm lấy sức trong căn nhà ngập đầy nước rồi lại phải gồng mình chống lại cuộc “đòi nợ” của ông trời.
Tính tới thời điểm hiện tại, ông trời đã “đòi” 3 mạng người, nhấn chìm nhiều nhà cửa và hoa màu của người dân. Trước đó, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ diễn ra từ 12-16/10, tại các tỉnh miền Trung đã có 39 người thiệt mạng, 1 người mất tích và 30 người bị thương. Với một người không có duyên với con số như tôi, những điều ấy sẽ nhanh chóng bị xóa mất. Nhưng, mãi về sau, tôi sẽ không quên được hình ảnh đồng bào mình đang ngồi trên mái nhà, tay run vì lạnh, đói và mệt mỏi chờ nước rút, hình ảnh người mẹ vừa bế con vừa tất tả một mình chuyển đồ đạc lên cao hay người cha cụt một tay trắng đêm bơi ngược xuôi giữa dòng lũ cuồn cuộn để tìm con trai.
Các em ạ!
Giữa muôn vàn sự đau lòng ấy, việc các em vẫn được sinh ra nhờ cán bộ xã đã không quản ngại khó khăn mang phương tiện đưa mẹ các em tới bệnh viện huyện Hương Khê như một ngọn lửa sưởi ấm trái tim người lớn chúng tôi. Đúng là dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào đi chăng nữa, mầm sống sẽ vẫn nảy sinh. Sinh ra trong mùa lũ, các em chắc chắn sẽ không được đầy đủ vật chất như bạn bè cùng trang lứa. Sinh ra ở rốn lũ, hàng năm các em chắc chắn sẽ phải chứng kiến cảnh biển nước nhấn chìm làng mạc, hoa màu, thậm chí là cuốn trôi cả những người các em thân yêu. Giờ, nằm trong vòng tay bố mẹ, nụ cười các em vẫn còn trong sáng, chưa vướng âu lo mỗi đợt nước lên. Nhưng đến một lúc nào đó, các em có thể vì oán hận những cuộc “đòi nợ” hàng năm ấy mà muốn ruồng bỏ mảnh đất đã sinh ra mình. Tới lúc đó, các em hãy bình tâm ngước nhìn lên cao. Thực ra, mặt trời vẫn ở đó, chỉ là tạm thời bị mây gió che lấp mà thôi.
Các em hãy nghe xem, tiếng nhạc lòng vui mừng ở đám cưới diễn ra tại huyện Lệ Thủy hình như vẫn còn đó. Sau đám cưới ấy một thời gian nữa, sẽ có những thiên thần như các em ra đời. Các em sẽ được gọi bằng tên cha mẹ đặt nhưng trong tim mọi người, các em đều có những cái tên riêng. Là Hi Vọng, là Mầm Sống, là Yêu Thương. Lũ chồng lũ, nỗi đau chồng nỗi đau nhưng ngày mai bão tan, trời vẫn sẽ sáng, phải không các em?
Lê Chinh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả