Đáng trách quá đi chứ. Nhưng ngẫm lại, tôi cho rằng, lỗi đầu tiên thuộc về chiếc “ghế tình nhân”. Nó nửa kín nửa hở, phân chia từng đôi, vừa đủ để bọn trẻ “thích thì nhích” trong không gian mờ ảo, tranh tối tranh sáng.
Nghe vậy, bạn tôi bênh chiếc ghế. Có người bảo tại “quả” camera hồng ngoại, nếu nó không quét qua, ghi lại, thử hỏi, lấy gì mà phát tán? Người khác lại nói, tại nhân viên làm lộ đoạn clip khiến dư luận dậy sóng. Còn tôi, vẫn bảo lưu, chiếc ghế phải chịu trách nhiệm đầu tiên!
Các nhà xã hội, tâm lý học, với mớ triết lý cao siêu thì cho rằng, “yêu” kiểu ấy là trái thuần phong mỹ tục, lố quá, hóa ngông, phản cảm, khác người, cần lên án để bọn trẻ mở mắt ra. Nghe chuyện, có người bảo, lạc hậu quá. Xưa Thị Nở, Chí Phèo thăng hoa ngay cạnh vườn chuối, còn chẳng kịp để Thị Nở về hỏi người cô xem nên, không nên “yêu” đó thôi. Nhưng nên nhớ, cuộc yêu của Thị Nở chỉ có ánh trăng chứng giám. Đồ rằng, nếu có ai ngấp nghé săm soi, đố cặp đôi dám “hành sự” dù “cuồng” cỡ nào.
Chưa bàn đến chuyện xử lý nhân viên tung cảnh “nóng” của khách lên mạng vì đó là chuyện của cơ quan chức năng, tôi chỉ muốn nói đến sự ngọt ngào của chiếc ghế cùng với sứ mệnh mà người ta giao cho nó mà thôi.
Trên Người Đưa Tin, tác giả Mai Thu dẫn câu hỏi của nhiều bạn đọc: "Có nên đặt loại ghế sweetbox (chiếc hộp ngọt ngào) hay còn gọi là "ghế tình nhân" dành riêng cho các đôi tình nhân trong rạp chiếu phim?". Trong rạp chiếu ánh sáng đã mờ mờ ảo ảo, khá hạn chế và riêng tư rồi thì có cần phải có ghế ngồi kiểu riêng tư như thế nữa hay không? Biết là ý thức, hành động của đôi bạn đó là không đúng mực nhưng sự có mặt của loại ghế này trong rạp chiếu phim thì nói sao không tức cảnh sinh tình?
Ở Mỹ, đa phần các trường hợp bị phát hiện, các đôi tình nhân đều bị cảnh sát buộc tội có hành vi bất lịch sự, khiếm nhã nơi công cộng và phải nộp tiền phạt. Cuối 2017, đôi nam nữ ở bang Texas bị cảnh sát bắt giữ sau khi quan hệ trong một rạp chiếu phim ở San Antonio. Trong thời điểm đó, rạp chiếu đang trống và không có bộ phim nào được trình chiếu. Cặp đôi bị phát hiện, bị buộc tội có hành vi bất lịch sự nơi công cộng, bị đưa đến đồn cảnh sát. Mỗi người phải nộp 1.600 USD tiền bảo lãnh để được thả.
Tại Mỹ, hành vi khiếm nhã ở rạp chiếu phim bị phạt ở mức nào còn tùy thuộc vào việc có sự xuất hiện của trẻ em trong rạp chiếu vào thời điểm đó hay không. Riêng với rạp, ở mức tối thiểu, kẻ vi phạm sẽ bị đề nghị rời khỏi rạp chiếu ngay lập tức. Nghiêm trọng hơn, đối tượng đó sẽ bị cấm đến rạp chiếu này vô thời hạn.
Có lẽ, nhiều người cũng đồng quan điểm với tôi, nếu tự trọng, nên xin rút khỏi rạp, để khán giả thực sự đi xem phim chứ không phải đến đó để “đóng phim”.
Ngọc Minh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.