Đề xuất đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách Ngữ Văn lớp 11 của anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh trường ĐH Newcastle (Australia) thực sự khiến nhiều người “nóng mặt”, không riêng gì cá nhân tôi.
Anh táo bạo, sáng tạo, anh có lý lẽ riêng của anh. Quan điểm cá nhân là điều cần được tôn trọng, nhất là trong xã hội văn minh. Nhưng theo tôi, những phát ngôn, đề xuất có thể ảnh hưởng đến số đông, nhất là bao lớp học sinh đã, đang và vẫn yêu tác phẩm hiện thực của Nam Cao, đau đáu với mong muốn thức tỉnh lương tri của Chí Phèo thì thực sự khó chấp nhận.
Cái ngày anh Chí Phèo “ngật ngưỡng” bước ra từ trang sách của Nam Cao cũng là ngày mà bao giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm in sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Đừng phê phán Chí Phèo hay phê phán bất cứ lý do nào làm nên Chí Phèo của những năm trước 1945 – khi mà đất nước còn đang chìm trong áp bức, nô lệ, quay cuồng và phẫn uất với thống lý, cường hào.
Chí Phèo là hiện thân của những con người đã bị bần cùng hóa, tha hóa, lưu manh hóa. Chính những cái tận cùng ấy đã góp phần không nhỏ làm nên sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đi vào lịch sử của loài người. Bởi trong bước đường cùng, bị dồn nén, nếu không phải là gục ngã thì sẽ là sự bừng sáng của trí lực, làm nên điều kỳ diệu!
Đừng nói phê phán mà mỗi người chúng ta hôm nay cũng cần phải học tập Chí Phèo, học tập từ cả tình yêu rất chân thật với Thị Nở mà anh Nguyễn Sóng Hiền đã phê là hành động “cưỡng bức” hay coi đó là “cổ xúy” điều không hay cho lớp trẻ. Thử hỏi, anh đã bao giờ biết đến vị cháo hành chưa? Chính bát cháo hành đã thức tỉnh cả cuộc đời Chí Phèo và Thị Nở trong hoàn cảnh ấy, bối cảnh ấy. Xin nhắc lại, trong hoàn cảnh ấy, bối cảnh lịch sử khi ấy và lý lẽ của con tim – là thứ mà chúng ta vẫn nói rằng cả lý trí cũng không giải thích nổi, họ tìm đến nhau, nương tựa vào thứ tình cảm tốt đẹp nhất trong con người: Tình yêu và họ thức tỉnh. Chí Phèo muốn làm người lương thiện, còn Thị Nở muốn được sống như một người bình thường – thoát ra khỏi cái “dở hơi” mà người làng Vũ Đại ngày ấy xúc xiểm nghĩ về Thị... thì có gọi là “cưỡng bức” được không?
Tôi kiên nhẫn đọc hết những lý lẽ trong đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền, nhưng với tôi đó chỉ là một góc nhìn chưa trọn vẹn. Anh mới chỉ nhìn thấy một phần của vấn đề.
Anh đưa ra một vài chi tiết để phân tích và phê phán. Anh bảo Chí Phèo sẽ khiến “nông dân bị mang tiếng”. Nhưng anh nói vậy là chính anh đã xúc phạm đến người nông dân của cả một thời đại đã "đẻ" ra Chí Phèo. Bởi bi kịch của Chí Phèo không dừng lại ở bi kịch của một cá nhân mà nó là nỗi thống khổ của hàng triệu nông dân Việt Nam dưới chế độ nửa thực dân nửa phong kiến. Họ sống trong cảnh “một cổ đôi tròng” với đủ những thiệt thòi, cưỡng bức. Họ bị bần cùng, tha hóa rồi lưu manh hóa như Chí Phèo là cả một quá trình và phản ánh lịch sử một cách chân thực nhất.
Nhiều người xúc động cảm ơn nhà văn Nam Cao vì đã gọi đúng tên sự thống khổ của họ trong hình tượng Chí Phèo. Bao lớp thế hệ học sinh những năm qua cảm ơn nhà văn Nam Cao đã lưu giữ một phần lịch sử một cách sâu sắc và chân thật nhất trong tác phẩm Chí Phèo. Tại sao lại muốn bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách Ngữ Văn lớp 11 hồ đồ như thế?
Tôi không muốn đi sâu vào phân tích tác phẩm Chí Phèo, bởi khó có giấy bút nào lột tả được hết những ý nghĩa sâu xa, chân thực mà tác phẩm mang lại. Hơn nữa, đây cũng không phải là một cuộc thi bình văn chương. Chỉ xin có đôi lời với người muốn đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách Ngữ Văn 11 để thấy rằng, ý tưởng đó là rất hoang đường. Có cảm giác như nghiên cứu sinh này chưa thực sự hiểu giá trị nhân văn của tác phẩm Chí Phèo, một tác phẩm đã đi vào lòng bao thế hệ người Việt Nam.
Đã là hiện thực thì đừng áp đặt nó trong cái nhìn của người đã đi ra khỏi hiện thực và không còn sống trên đất nước Việt Nam. Tôi tin rằng, đã có rất nhiều học sinh từng như tôi, muốn nhanh lên lớp để được học tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, chứ đừng nói chuyện đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách Ngữ Văn lớp 11.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!