Đa phần các nhà xe đều nhận chuyển tiền, hàng |
Trên suốt hành trình từ Hà Nội về Hà Tĩnh, thường xuyên phụ xe ngồi hoặc nằm ngủ ngay cạnh lái xe. Chìa khóa chiếc hòm đựng đồ của khách gửi được phụ xe đeo lủng lẳng ở “đỉa” quần. Quy luật đó lái xe Thọ nắm rõ, và anh ta đã thừa cơ lấy trộm chìa khóa, mở hòm và thủ luôn gói tiền. Về đến huyện Kỳ Anh, khi nhà xe Hồng Hà liên lạc với người ra nhận tiền, là chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, thì mới tá hỏa khi biết gói tiền đã biến mất. Ba, bốn nghi can được CAH Kỳ Anh triệu tập ngay sau đó, trong đó có lái xe Trần Hậu Thọ. Sau gần 2 ngày quanh co, cuối cùng, Thọ đã phải khai nhận hành vi lấy trộm chìa khóa, trộm tiền của khách gửi. “Chúng tôi đã thu hồi đủ số tiền bị mất trộm. Tất cả đều là tiền USD, mệnh giá 100 USD, tính ra tiền Việt Nam khoảng 8 tỷ đồng”, chỉ huy đội CSĐT tội phạm về TTXH CAH huyện Kỳ Anh xác nhận.
Vụ án Trần Hậu Thọ và số tiền 8 tỷ đồng trên có nhiều điểm tương đồng với vụ án “bay hơi” 100 triệu đồng, xảy ra tại bến xe phía Nam, hồi tháng 5-2013. Hôm đó, anh Phạm Văn Tâm, 41 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định, chủ xe khách 18B-003 chạy tuyến Hải Hậu - Giáp Bát nhận gửi hộ khách 2 phong bì dán kín. Số phong bì này sau đó được để ở đầu xe, trong… tầm quan sát của lái xe Đỗ Văn Huynh, 35 tuổi. Điểm đến của 2 chiếc phong bì là huyện Hải Hậu, Nam Định. Tuy nhiên, lái xe Huynh chỉ chú trọng người ngoài mà không đề phòng “người nhà”. Trước khi về đến Nam Định, 2 phong bì tiền đã bị phụ xe tên là Bốn cuỗm mất.
Nghi can và tang vật vụ trộm 8 tỷ đồng |
Theo khảo sát của PV, tại các bến xe ở Hà Nội, đa số các nhà xe đều nhận dịch vụ vận chuyển hàng, tiền một cách khá dễ dãi. Từ nhỏ, mỏng như phong bì, đến cồng kềnh như xe máy cũng đều được các nhà xe nhận tuốt. Hai vụ mất trộm 8 tỷ đồng và 100 triệu đồng nêu trên, giữa khách gửi và nhà xe đã có sự kết nối, giao dịch thường xuyên, nên việc giao - nhận hết sức đơn giản, không cần giấy tờ biên nhận. Với khách lần đầu đến gửi hàng, nhà xe yêu cầu cao hơn, là…khách phải để lại số điện thoại của người gửi để khi giao xong hàng sẽ liên lạc, thông báo kết quả.
Dịch vụ này vì sao đắt khách và nở rộ? Câu trả lời đó là, do nó quá đơn giản về thủ tục. Thay vì phải ra bưu điện, ngân hàng hay chuyển phát nhanh, khách chỉ việc ra bến xe, tìm đến xe khách chạy về địa chỉ cần gửi, giao hàng là xong. “Ưu điểm” tiếp của dịch vụ này, là giá thành rất rẻ. Như vụ mấy trộm 8 tỷ đồng, cước phí chuyển tiền còn rẻ hơn việc gửi 1 chiếc xe máy; trong khi số tiền ấy nếu gửi qua ngân hàng sẽ phải mất khoản phí không nhỏ.
Bên cạnh những “ưu điểm” về sự tiện lợi, dịch vụ gửi tiền hàng thông qua xe khách tiềm ẩn nhiều mối nguy với người gửi và đôi khi với cả chính nhà xe. Vụ mất trộm 100 triệu đồng liên quan đến xe khách tuyến Hà Nội - Nam Định ở bến xe phía Nam, sau gần 4 tháng, thủ phạm vẫn biệt tăm, để lại hệ lụy phải giải quyết giữa khách gửi và chủ xe.
Trung tá Trương Quốc Hiên – điều tra viên đội CSHS CAQ Long Biên, Hà Nội phân tích, những vụ thất thoát tiền liên quan đến gửi – nhận của xe khách; nếu xác định hành vi trộm cắp hay lạm dụng, công nhiên chiếm đoạt tài sản thì còn có đường hướng xử lý. Trường hợp không rõ đối tượng chiếm đoạt tiền, nhiều khả năng người gửi và nhà xe sẽ phải nhờ đến sự phán xét của Tòa án dân sự. Việc phải ra chốn công đường không chỉ mất nhiều thời gian, phiền toái, mà phần thua thiệt chắc chắn sẽ thuộc về khách gửi tiền, hàng. Bởi họ thường “yếu” về mặt chứng cứ khi chứng minh việc gửi tiền, hàng qua xe khách. Ngay trong vụ trộm 8 tỷ đồng trên xe khách Hồng Hà, giữa số tiền mà người gửi trình báo và tiền mà cơ quan công an thu giữ khi bắt đối tượng trộm cắp cũng có sự “vênh” khá lớn. Thiệt hại vật chất là một nỗi lo, một nguy cơ; dịch vụ nhận, vận chuyển hàng hóa bằng xe khách từng ghi nhận những sự cố đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng của hành khách, nhân viên nhà xe. Đã đến lúc, cơ quan chức năng không thể để “buông” dịch vụ đầy rủi ro này…
Theo Minh Hà (An Ninh Thủ Đô)