Giá thuê mặt bằng tăng, sức mua người tiêu dùng giảm
Nhiều năm nay, thị trường bất động sản bán lẻ tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều tiềm năng tăng trưởng dài hạn, đặc biệt là ở các thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, từ phân khúc mặt bằng bán lẻ tầm trung, đến mặt bằng bán lẻ cao cấp liên tục được mở rộng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản ngày càng được cải thiện với nhiều chính sách thu hút đầu tư cũng như các hỗ trợ về tín dụng và ưu đãi thuế dành cho các dự án phát triển bất động sản bán lẻ.
Đặc biệt là các dự án tập trung vào phân khúc cao cấp, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khi nhiều trung tâm thương mại cao cấp được xây dựng nhằm đáp ứng từ mua sắm, giải trí…
Tuy nhiên, theo VARS thị trường này cũng đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn. Như việc mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn cả về quy mô, chất lượng và trải nghiệm.
Tổng diện tích mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt là các trung tâm thương mại cao cấp, vẫn còn tương đối khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia,...
VARS đánh giá nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp tăng trưởng chậm trong khi nhu cầu của các nhãn hàng, thương hiệu quốc tế không ngừng tăng cao.
Điều này khiến mức giá thuê mặt bằng tại các khu vực trung tâm ở Tp.HCM và Hà Nội đang ngày càng tăng, tạo ra áp lực lớn cho các nhà bán lẻ cao cấp.
Sự biến động của nền kinh tế thế giới, lạm phát, và chi phí nguyên vật liệu tăng cao có thể ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của các dự án bất động sản bán lẻ. Đơn cử, lạm phát tăng cao có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ cao cấp.
Đồng thời, chi phí xây dựng và vận hành các trung tâm thương mại cao cấp cũng sẽ gia tăng, tạo áp lực cho các nhà phát triển bất động sản.
Cần thêm nhiều bước đột phá
Theo báo cáo của Công ty TNHH CBRE, trong 6 tháng đầu năm, thị trường Tp.Hà Nội chỉ đón nhận một dự án mới là tại quận Hà Đông với 10.581m2 diện tích cho thuê. Trong khi, thị trường Tp.HCM chào đón nguồn cung mới tại quận 9 và một dự án sau khi được cải tạo lại với tổng diện tích cho thuê là 56.000m2.
Tại Tp.HCM, nguồn cung bán lẻ tại khu vực trung tâm chỉ chiếm 12% tổng nguồn cung, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về giá thuê tại khu vực này. Hiện tại, giá thuê tại khu vực trung tâm đã đạt gần 280 USD/m2/tháng, tăng 18,5% so với năm trước.
Khu vực Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) cũng ghi nhận xu hướng tăng giá thuê với mức giá thuê hiện tại ở khu vực trung tâm đạt 180 USD/m2/tháng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
CBRE nhận định, tại Tp.HCM tỉ lệ trống ở mức thấp là 4,6% tại khu vực trung tâm và giá thuê đã bắt đầu tăng trưởng kể từ năm ngoái.
Các nhà bán lẻ đã hiện diện tại khu vực trung tâm đang tìm kiếm cơ hội trong Quý 2/2024, giá thuê tại các khu vực ngoài Trung tâm của Tp.HCM chứng kiến mức tăng trưởng 15,5% so với cùng kì và tăng 1,0% so với quý trước, đạt trung bình 53,8 USD/m2.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE tại Tp.HCM cho biết: "Thị trường ghi nhận sự mở rộng chủ yếu đến từ các ngành hàng F&B (Thực phẩm & Đồ uống) và Lifestyle (Phong cách sống). Thị trường chứng kiến sự gia tăng hiện diện của các nhà bán lẻ Trung Quốc và các thương hiệu khác thể hiện sự quan tâm đến thị trường.
Tại Tp.HCM, nhiều trung tâm thương mại đang tiến hành cải tạo và tái cơ cấu mô hình khách thuê, nhằm tạo không gian cho những thương hiệu mới gia nhập và mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng".
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển VNO (VNO Group) cho rằng: "Nền kinh tế thị trường hiện nay đang hồi phục sau đại dịch Covid-19 và thúc đẩy sự phát triển của ngành bán lẻ, thu hút nhiều thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài gia nhập thị trường nội địa. Tại Tp.HCM, nguồn dân số trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển và tài sản tăng sẽ góp phần mở rộng thị phần bán lẻ hiện đại".
Ông Hải cũng cho biết, mặt bằng bán lẻ trong trung tâm thương mại từ trung đến cao cấp có tăng trưởng. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần tận dụng nghiên cứu kỹ về thói quen mua sắm của nhiều tầng lớp người dân.
Đồng thời, cải tạo bằng chất lượng hàng hoá, chất lượng từ những doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực kinh doanh hàng hoá, nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng.
"Ngoài những vấn đề trên, thì nhiều chủ đầu tư trung tâm thương mại cũng cần phải cân nhắc về giá cả cho thuê, tạo nhiều cơ chế ưu đãi, giảm giá cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động tại trung tâm thương mại để giữ chân doanh nghiệp.
Tránh việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các thương hiệu nổi tiếng rời bỏ mặt bằng trung tâm thương mại để tìm mặt bằng phố, đường xá để kinh doanh. Điều này, sẽ kéo theo sự mất mát của nhiều dịch vụ đi kèm trong trung tâm thương mại", ông Hồng Hải chia sẻ.