Muốn thoát nghèo thì... đi học
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, xung quanh bốn bức tường là những tấm bằng khen, bà Nguyễn Kim Trúc (SN 1941, vợ của ông Lộc) cho biết: "Có được những tấm bằng khen như các cô chú thấy, chúng tôi đã phải đánh đổi cả cuộc đời và đối diện với không ít những thách thức. Tôi kết hôn với ông Lộc năm 18 tuổi, rồi sinh con đầu lòng năm 1959. Đến năm 1987, vợ chồng tôi sinh được đứa con thứ 10".
Nói về những khó khăn của gia đình, bà Trúc tâm sự: "Để có thể sống và nuôi dạy các con cho đến bây giờ, với vợ chồng tôi, đó quả là một giấc mơ lớn mà tôi không bao giờ nghĩ tới. Bởi hoàn cảnh gia đình lúc ấy chỉ có củ khoai, củ sắn qua ngày, lâu lâu, mới biết đến hạt gạo trắng. Con cái đông, vợ chồng tôi lại chỉ được học hết lớp ba. Thế nhưng, khi nghĩ đến tương lai của các con, hàng ngày tôi phải lặn lội đội từng thúng chuối, đi bộ hàng chục cây số bán, nhằm lo cho các con hai bữa cơm cháo. Cứ thế, quanh năm, chúng tôi phải bán lưng cho đất, bán mặt cho trời để kiếm từng hạt thóc...".
Đại gia đình ông Võ Văn Lộc. Ảnh: Huệ Trần
Ông Lộc tâm sự: "Điều khiến tôi cảm thấy rất hài lòng là các con rất chăm chỉ học hành ngay từ khi bắt đầu cắp sách đến trường. Khi các cháu lớn lên và chuẩn bị bước vào cánh cửa đại học, cao đẳng, tôi luôn định hướng chọn thi ngành sư phạm. Bởi đối với tôi, không có nghề nào cao quý và được xã hội quý trọng bằng nghề giáo, tuy đồng lương còn hạn chế. Hơn nữa, trong hoàn cảnh lúc ấy thì hướng cho các cháu tìm đến ngành sư phạm là hợp lí nhất, bởi không mất tiền đóng tiền học phí".
Đại gia đình nhà giáo
Kết quả của quá trình nỗ lực, khắc phục hoàn cảnh khó khăn và những lời động viên tinh thần của vợ chồng ông Lộc đã được đền đáp. Chị Võ Thị Bé Sửu (người con thứ tư) bước vào cổng trường ĐH Đồng Tháp đã đem lại niềm vui khôn xiết cho gia đình. Ông Lộc bộc bạch: "Niềm vui ấy khiến chúng tôi sung sướng và hạnh phúc mà không thể nói nên lời. Bởi đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các con đã thoát khỏi cái khổ của cha mẹ. Điều đó cũng cho thấy, ông trời không phụ lòng người, bao công sức của vợ chồng cũng như những nỗ lực của con cái đã thành công. Ba năm sau, cháu Sửu tốt nghiệp ra trường về dạy tại xã Tân Hòa II". Kể từ đó, lần lượt những người con kế tiếp của ông Lộc cũng dìu dắt nhau theo anh chị mình cùng làm nghề giáo.
Bà Nguyễn Kim Trúc chia sẻ: "Gia đình tôi có 10 người con thì có bảy người cùng làm nghề giáo. Cho đến nay, tính luôn cả dâu, rể và các cháu ngoại thì gia đình có tất cả 18 người làm giáo viên. Hiện tại, các con, các cháu không chỉ công tác giảng dạy tại các trường cấp 1, 2, 3 trong huyện Lai Vung mà có đứa còn làm giảng viên của trường ĐH tỉnh Đồng Tháp. Trong số đó, có hai cháu chuẩn bị học cao học, bốn cháu đã lấy bằng thạc sĩ, còn người con trai út Võ Đức Thịnh đang tiếp tục đi du học ở Pháp để lấy bằng tiến sĩ. Con gái thứ năm là Nguyễn Thị Bé Sửu đang làm Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Hòa II. Các cháu nội, ngoại của chúng tôi lớn lên cũng được bố mẹ hướng nghiệp theo ngành sư phạm".
Nhìn lại chặng đường dài, ông Lộc cho biết: "Việc các con, các cháu có được cái nghề ổn định để kiếm sống đã khẳng định được vai trò của người làm cha làm mẹ như chúng tôi. Tôi rất tự hào và hạnh phúc, bởi mỗi khi đi ra ngoài, ai cũng khen ngợi gia đình và tán dương sự hiếu học của con cháu. Nhưng mỗi khi nghĩ lại hoàn cảnh gia đình những năm đói kém, các con phải ăn đói, ăn khổ đi học, tôi cảm thấy xót xa, ngậm ngùi. Các cháu phải "trần ai" lắm mới có một cái nghề như thế, bởi lúc ấy đường xá đi lại rất khó khăn, chúng nó phải lội bộ hàng chục cây số đi học. Là những bậc cha mẹ, chúng tôi chỉ lo cho các con ngày hai bữa nên anh em chúng nó tự bảo ban nhau, đứa lớn kèm đứa nhỏ".
Ông Lộc tự hào cầm trên tay tấm Huy chương của Bộ trưởng bộ GD&ĐT. Ảnh Thơ Trịnh
Không dừng lại việc chăm lo học hành cho con cái trong gia đình, ông Lộc cũng đóng góp nhiều công lao cho xã hội. Ông Lộc kể tiếp: "Thời gian ấy, ở xã chỉ có trường trung học cơ sở nên nhiều người chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn. Nhưng khi nhìn thấy truyền thống hiếu học của các con tôi, nhiều người trong ấp, xã cũng thôi thúc con mình phấn đấu học hành. Để tạo điều kiện cho học sinh ở đây, tôi đã đứng ra vận động bà con đóng góp công sức, tiền của và xin ý kiến chính quyền cho mở thêm trường THPT Lai Vung II. Sau này, vì nhìn thấy những tiềm năng của vùng đất nơi đây, Nhà nước tiến hành đầu tư, nâng cấp trường ngày càng khang trang hơn. Cho đến nay, đã qua năm đời hiệu trưởng luân chuyển nhưng tôi vẫn được tín nhiệm bầu làm hội trưởng hội Phụ huynh của trường".
Ông Lộc chia sẻ: "Giữ chức vụ chủ tịch hội Khuyến học xã Tân Hòa, tôi không ngừng vận động để chính quyền xã đầu tư, xây dựng các công trình phúc lợi cho dân. Trong đó, phải kể đến là xây các công trình bê tông đường xá, cầu cống nhằm giúp cho các em học sinh đến trường một cách thuật lợi nhất. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, chúng tôi luôn thay mặt ban đại diện hội Khuyến học của xã chú ý quan tâm và tìm cách hỗ trợ để giúp các em đi học trở lại. Rất nhiều học sinh sau khi nhận được sự hỗ trợ của Hội đã cố gắng vươn lên và có kết quả học tập đáng khen ngợi. Nhiều em còn có kết quả điểm rất cao khi thi vào các trường cao đẳng, đại học. Chúng tôi luôn đặt ra quyết tâm là không để học sinh nào trong xã thất học".
Nói về tấm gương đại gia đình làm giáo viên nhà ông Lộc, ông Nguyễn Văn Năm (bạn ông Lộc, ngụ tại xã Vĩnh Thới, Lai Vung) nói: "Tôi rất khâm phục tinh thần vượt khó của gia đình ông Lộc. Gia đình ông Lộc chính là tấm gương sáng cho các gia đình trong xã, huyện noi theo. Trải qua biết bao khó khăn của cuộc sống, vợ chồng ông ấy vẫn chăm lo, tạo mọi điều kiện cho con cái ăn học thành tài. Không những vậy, ông còn đóng góp rất lớn cho xã hội khi giữ vai trò là Hội trưởng hội Khuyến học của xã. Ở những làng quê hẻo lánh thế này, có những người như ông Lộc thì chẳng khác nào viên ngọc quý hiếm để giúp cho việc học hành của con em chúng tôi ngày càng tốt hơn. Vợ chồng ông Lộc đã làm được những điều mà nhiều người có mơ cũng không thấy".
Tự hào vì có một gia đình như thế Ông Nguyễn Văn Hạnh, phó chủ tịch UBND xã Tân Hoà (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Chúng tôi rất tự hào về những gì mà gia đình ông Lộc đã đạt được. Để có được những thành tựu ấy, gia đình ông đã phải rất nỗ lực và khắc phục không ít khó khăn. Hơn nữa, bản thân ông Lộc cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương và hỗ trợ cho không ít học sinh nghèo tiếp tục cắp sách đến trường". |
Tiền muôn bạc vạn cũng khó mua được Bà Nguyễn Kim Trúc cho biết: "Mỗi ngày, ngoài công việc cơm nước, dọn dẹp, thời gian rảnh, tôi thường lau chùi, sắp đặt những tấm bằng khen của gia đình, của con cháu xếp gọn gàng. Cho đến bây giờ, tôi không thể nào đếm được có bao nhiêu giấy khen, bằng khen trong nhà. Gia đình tôi đã rất vinh dự nhận được Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" của Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân tặng năm 2002". Năm 2009, chồng tôi còn nhận được bằng khen của Bộ trưởng bộ GD&ĐT vì có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Đó là niềm tự hào của gia đình mà dù có tiền muôn, bạc vạn cũng không thể nào mua được". |
Thơ Trịnh - Huê Trần