Đẩy cánh cửa kính mà chông chênh, bồi hồi vì cảm giác xa lạ, vì gặp chừng bốn năm cô gái tóc quệt xanh quệt đỏ xác xơ. Trao “cái gốc con người…” mình cho mấy cô này cũng ớn thiệt. May, chị thợ chính xuất hiện, lấy lại lòng tin bằng lọn tóc dày đen mượt buộc nhỏng phía sau.
Nhưng sự bất an lại xuất hiện khi nhìn vào mảng gương lớn chiếm cả mảng tường. Ai mà trắng trẻo, mịn màng đẹp một cách ngỡ ngàng vậy trời? Tự hỏi, và cũng tự trả lời, có ai trồng khoai đất này, ta chớ ai. Nhưng tại sao ta không giống ta? Rõ ràng trước khi đi, đứng chải tóc ta còn buồn rượi đi một chút vì nhan sắc mình “thất thu” quá, tạo hóa chơi ác quá, da không trắng, mắt không to, mũi không cao, môi không đỏ… Bỗng dưng đổi khác quá chừng, cảm giác bất an cồn cào, không biết hình ảnh nào là của mình, trong gương nhà hay gương hàng xóm. Buột miệng hỏi chị thợ làm tóc đang lách tách lia mũi kéo, “ngộ, sao soi gương này tôi thấy… đẹp hơn bình thường quá…”. Chị cười, tùy mình khéo chọn lựa, lúc mua. Khách của chị chủ yếu là phụ nữ mà, ai lại không muốn mình đẹp…
Khách thất vọng một chút, hóa ra vẻ đẹp của mình chỉ là ảo tưởng thôi, một mánh lới của người đời. Hoang mang. Còn có cái gì để tin, để soi rọi mình khi cả hình ảnh trong gương cũng không còn chân thực? Những chuẩn mực, những giá trị sống đã từ từ rơi rụng, phai tàn, và nay, không thể tin cậy vào tấm gương phản chiếu hình hài ta nữa. Rồi làm sao? Làm sao ai biết làm sao? Soi mình ngược vào lòng, nhưng chỉ thấy nỗi buồn long lanh trong đó, soi vào mắt người, cũng thấy bóng mình khi xấu khi đẹp, tùy vào người ghét hay thương.
Lật sách vở ra coi, trong từ điển tiếng Việt, họ định nghĩa vầy: 1- Vật thường bằng thủy tinh, có một mặt nhẵn bóng phản xạ ánh sáng tốt, dùng để tạo ảnh của các vật (Soi gương. Ngắm mình trong gương. Mặt hồ như mặt gương). 2- Cái được coi là mẫu mực để noi theo (Làm gương cho em. Noi gương bạn).
Thấy mấy chỗ muốn sửa quá, thứ nhất, gương là một mảnh thủy tinh, chuẩn mực phản chiếu tùy thuộc vào độ cao hứng của anh thợ, mà anh thợ là con người. Vì vậy, đôi lúc anh thợ vui, nên những chiếc gương hiện lên toàn là ước mơ và ảo tưởng, nàng có mụn trứng cá soi gương để thấy da dẻ mình mịn màng, nàng hơi thấp bé soi gương để thấy mình cao, nàng hơi dư cân soi gương để thấy mình thon gầy, mảnh khảnh… Thứ hai, gương không hẳn là mẫu mực để noi theo, bởi cái anh ăn cắp kia đích thị cũng là một tấm gương, mà đâu có ai dám noi theo.
Cái anh đấy, là tấm gương đã vỡ, nhưng độ phản chiếu vẫn còn nguyên. Người đời không lúc nào thôi soi rọi, bởi mỗi người cũng là một tấm gương. Ta đi qua họ như đi vào nhà cười, ta thấy mình ngờ ngệnh, xấu xí, ta thấy mình cao lớn, đẹp đẽ, ta thấy ta trong những hình dáng méo mó kia. Một nỗi buồn.
Không còn đủ đức tin với gương, cũng may, còn người để tôi soi mình xót xa…
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư