Những ngày qua, rất nhiều nghệ sĩ hướng về miền Trung bằng các hành động thiết thực, kịp thời để giúp bà con vượt qua hoạn nạn, khó khăn. Bà cảm nhận thế nào về việc làm này của các nghệ sĩ?
Thật sự, nghĩa cứ ấy quá tuyệt vời, xuất sắc! Khi ta gặp hoạn nạn, nếu ai đó đưa tay ra giúp đỡ, dù bằng hình thức nào cũng rất trân quý. Đó là tấm lòng từ bi. Giữa lúc đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn, việc nghệ sĩ dùng sức ảnh hưởng, tiếng nói để kêu gọi quyên góp, lan tỏa trái tim yêu thương là đáng hoan nghênh. Hành động này rất thiết thực và đáng quý!
Giả sử, động cơ đằng sau hành động này có là đánh bóng tên tuổi, thì hiệu ứng, giá trị nó mang lại vẫn tuyệt vời. Không riêng nghệ sĩ, mà bất kể ai, dù là nông dân, trí thức, doanh nhân hay nhà báo… nếu có thể lan tỏa trái tim yêu thương để giúp đỡ được đồng bào miền Trung, thì nên phát huy.
Trong hoàn cảnh đau thương này, bên cạnh sự hỗ trợ vật chất, sức mạnh tinh thần cũng rất quan trọng. Biết bao hoàn cảnh phải gánh nỗi đau mất người thân, tài sản trôi theo dòng nước lũ,…đó là một sự mất mát quá lớn khó lòng bù đắp nổi. Cần lắm lúc này những lời động viên, an ủi để vực họ dậy. “Góp gió thành bão”, tôi tin, nếu tất cả chúng ta cùng chung tay, bà con miền Trung sẽ sớm vượt qua cơn bĩ cực.
Nhưng, đâu đó vẫn có những “quan tòa bàn phím” ra sức phán xét, chỉ trích việc làm thiện nguyện của các nghệ sĩ khiến lòng tốt bị tổn thương. Bà đánh giá thế nào về hành động này?
Người nổi tiếng khi làm từ thiện, nên chuẩn bị tâm lý để đối diện với “búa rìu” dư luận. Đôi khi, bạn làm việc tốt, nhưng có người không hiểu được việc bạn đang làm, nên họ quay ra chỉ trích.
Dù bạn tốt đến mấy, vẫn không tránh khỏi có người không thích, không đồng tình, vì xã hội này luôn tồn tại nhiều mặt. Các nghệ sĩ nên học cách chấp nhận, và coi những lời phán xét, chỉ trích đó là bình thường. Hãy nhìn sự việc theo hướng tích cực hơn. Bởi, bên cạnh một bộ phận chỉ trích, còn rất nhiều người ủng hộ bạn. Nếu không ủng hộ, sao họ lại quyên góp tiền cho bạn, sẵn sàng đứng ra bảo vệ bạn.
Những người chỉ trích bạn là họ chưa đủ nhân duyên để hiểu việc tốt bạn đang làm. Khi bị chỉ trích, cũng không cần giải thích nhiều đâu. Nếu ai hiểu bạn, thì không cần giải thích họ vẫn ủng hộ bạn hết mình, còn người không muốn hiểu, dù bạn có giải thích thế nào, họ vẫn không quan tâm. Tất nhiên, khi có cơ hội, vẫn nên giải thích, nhưng cứ cố giải thích thì không nên.
Một khi bạn thật tâm làm thiện nguyện, hãy giữ vững bản lĩnh và lập trường. Đừng vì những lời chỉ trích, phê phán của các “anh hùng bàn phím” mà từ bỏ việc cứu người. Không phải vì họ nói, họ cổ vũ, bạn mới làm, hay vì họ chửi mà dừng lại. Hãy làm vì trái tim mình mách bảo: “Tôi muốn làm điều đó, tôi cần làm điều đó”.
Đối với các “anh hùng bàn phím”, tính soi mói xuất phát từ bệnh sĩ, sợ người khác hơn mình. Khi thấy nghệ sĩ quyên góp được nhiều, tâm lý sợ họ được chú ý, nổi tiếng hơn mình, lập tức lòng ghen ghét, đố kỵ dấy lên. Họ sẽ tìm mọi cách “hạ bệ” nghệ sĩ bằng cách chỉ trích, phê phán bằng lời lẽ khó nghe.
Đôi khi, họ hành động như vậy do tác động của môi trường sống và cách giáo dục từ bé. Có thể, họ không được hướng dẫn trong những trường hợp đó, nên ứng xử sao cho phù hợp, dẫn đến phát ngôn gây tranh cãi. Hơn nữa, họ cũng không hiểu những việc nghệ sĩ đang làm, nên mặc nhiên buông lời phê phán theo suy nghĩa chủ quan. Chưa kể, nhiều người còn mặc định, người giàu hay nghệ sĩ, thì phải từ thiện thật nhiều tiền, nhưng họ không nghĩ, ai dù ở địa vị nào vẫn còn nhiều mối lo toan khác.
Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ cứ chạy theo “búa rìu” dư luận, tâm can sẽ dễ xao động. Đó là điều không nên. Hãy giữ vững bản lĩnh, lập trường với mục tiêu đã đề ra, quyết tâm thực hiện đến cùng. Đừng vì vài lời chỉ trích, mà bỏ cuộc giữa chừng. Lúc này, bà con miền Trung đang rất cần những tấm lòng hảo tâm dang tay ra bao bọc, chở che, nên các nghệ sĩ hãy làm vì họ.
Người nhận cũng cần có thái độ tri ân, dù đó là món quà nhỏ bé, nhưng chứa đựng tấm lòng vô cùng đáng quý. Các nghệ sĩ và mạnh thường quân đã không quản ngại khó khăn, vượt lũ để đến với bà con. Đó là sự dũng cảm cần được ghi nhận.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng ta phải trân quý tấm lòng của họ, thay vì chỉ trích, phê phán.
Dường như, có một sức ép vô hình nào đó đang “khoác” lên vai người nổi tiếng khi làm từ thiện. Theo bà, các nghệ sĩ cần làm gì để vượt qua?
Có câu, cây cao thì gió càng lay. Khi bạn ở vị trí được nhiều người biết đến, chắc chắn bạn sẽ chịu sức ép từ nhiều phía. Chưa bàn tới việc từ thiện, bạn đi ra ngoài đường cũng đã đủ gây chú ý, săm soi. Bạn là người của công chúng, bạn nhận được cái giá của sự nổi tiếng. Đó là ánh hào quang, danh vọng, và áp lực là điều tất yếu mà các nghệ sĩ phải đối mặt.
Nhưng, bản thân mỗi người phải cố gắng để giữ vững bản lĩnh và lập trường. Những việc bạn làm có lợi cho đồng bào miền Trung dù nhỏ bé, nhưng một khi đã quyết tâm, thì hãy làm hết mình. Từ thiện không phải đợi quyên góp được 100 triệu, 100 tỷ mới làm. Mà còn rất nhiều cách khác để sẻ chia cùng mọi người. Khi một ai đó đang đau khổ, chỉ cần một lời động viên của bạn cũng đủ làm người ta cảm thấy cuộc đời rất tươi đẹp. Dù bạn không có tiền, nhưng tâm bạn luôn suy nghĩa ước gì tôi có tiền để giúp miền Trung, cũng quá tuyệt vời rồi!
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi!