"Hạ điểm quá thấp trường càng bị coi thường"

"Hạ điểm quá thấp trường càng bị coi thường"

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 2, 16/07/2018 18:30

Đó là khẳng định của nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ khi trả lời PV báo Người Đưa tin trước vấn đề một số trường đại học xét tuyển 11 điểm gây xôn xao dư luận.

Trước đó, ngày 14/7, một số trường ĐH công bố điểm sàn xét tuyển khiến dư luận xã hội giật mình. Theo đó, nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển với những thí sinh đạt được từ 11 điểm/3 môn trở lên trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Như vậy nếu cộng với điểm ưu tiên, mỗi môn thí sinh chỉ cần 3 điểm là có thể đỗ ĐH. PV báo Người Đưa Tin tiếp tục trao đổi với PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT về vấn đề này.

"Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có tới hơn 900 nghìn học sinh dự thi, trong đó để xét tuyển ĐH cũng có hàng chục vạn học sinh. Vậy thì tại sao các trường phải hạ mức điểm thấp đến như thế?", ông Trần Xuân Nhĩ nêu băn khoăn.

'Hạ điểm quá thấp trường càng bị coi thường'

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT.

"Nếu là một người Hiệu trưởng, tôi không làm như thế. Lấy điểm tuyển sinh tối thiểu đạt ngưỡng điểm trung bình trở lên, vậy mới đủ điều kiện để xét tuyển.

Hiện nay, phổ điểm trung bình cũng không thiếu học sinh, khi hạ điểm tuyển sinh thấp như vậy chất lượng đầu vào vốn đã kém thì chất lượng đầu ra, rồi kỹ năng, công việc cho sinh viên sau khi ra trường sẽ về đâu?", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

"Theo tôi, những trường lấy điểm quá thấp sẽ làm cho chính các bậc phụ huynh nghi ngờ và coi thường về chất lượng đào tạo của trường đó. Một trường ĐH kiểu gì mà lấy 3 điểm/môn để tuyển sinh", ông Nhĩ băn khoăn.

Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT nhấn mạnh: "Giao quyền tự chủ cho các trường nhưng không phải trường muốn vơ vét học sinh thế nào cũng được. Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ xem xét những trường hạ điểm quá thấp để có ý kiến hoặc can thiệp, điều chỉnh, đảm bảo chất lượng học sinh, ít nhất đạt ở mức độ trung bình.

Mặc dù Bộ cho phép tự chủ về việc tuyển sinh nhưng phải sát sao chỉ đạo. Bộ không ép ra điểm sàn nhưng cần có chỉ đạo hạ điểm ở mức độ phù hợp. Nếu thấp quá thì Bộ phải kịp thời điều chỉnh".

'Hạ điểm quá thấp trường càng bị coi thường' (Hình 2).

Việc hạ điểm xuống mức quá thấp các trường chỉ tự "giết mình".

“Trường hợp nếu có thể mềm dẻo, ví dụ trường lấy 15 điểm nhưng sau không đủ chỉ tiêu của Bộ giao cho thì có thể báo cáo xin hạ lấy xuống 11 điểm.

Nhưng từ 11 đến 15 điểm là sự chênh lệch lớn, do đó học sinh cũng không thể cho vào học ĐH ngay. Các em này sẽ phải trải qua 1 quá trình đào tạo bồi dưỡng để nâng chất lượng lên rồi kiểm tra lại nếu đạt thì mới cho học.

Chúng ta có thể mở rộng đầu vào nhưng đầu ra phải đảm bảo còn nếu không thì phải loại ra ngay, giống như các nước phát triển đang làm”, ông Nhĩ nêu ý kiến.

Trong sáng nay (16/7), trao đổi với PV Người Đưa Tin, thầy Nguyễn Bá Tuân, hệ thống giáo dục Học mãi, cho biết, thực chất năng lực của các em còn không được 11 điểm: “11 điểm xét tuyển ĐH thực sự quá thấp. Nếu vin vào cớ đề thi khó không làm được bài là không đúng.

Theo đánh giá của tôi đề thi khó là đối với những câu phân hóa. Dành cho những học sinh đạt điểm tuyệt đối và với các em dùng để xét tuyển ĐH. Còn để đạt mức 5 điểm tức làm 20 câu cho HS tốt nghiệp là không hề khó.

Hơn nữa với các em làm 3-4 điểm trên bài thi trắc nghiệm như hiện nay chưa chắc đó đã là kiến thức thực của các em. Thực tế điểm của các em còn thấp hơn nữa vì xác xuất khoanh tròn trong 40 câu là rất cao".

 

Đặng Thủy-Nguyễn Lâm

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.