Sáng 24/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức buổi họp báo diễn biến tình hình, công tác triển khai ứng phó và thiệt hại bước đầu do đợt mưa lũ lịch sử vừa qua.
Cuộc họp có ông Nguyễn Anh Tú, Phó vụ trưởng vụ an toàn hồ đập (Tổng cục Thủy lợi - bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn)(NN&PTNN), đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, sở Nông nghiệp & Phát triển tỉnh và công ty TNHH MTV Thủy Lợi nam Hà Tĩnh – đơn vị vận hành, quản lý hồ Kẻ Gỗ.
Cuộc họp cũng có sự tham dự của rất đông phóng viên báo, đài Trung Ương và địa phương.
Vận hành đúng quy trình
Tại cuộc họp báo này, rất nhiều câu hỏi của các phóng viên báo đài xoay quanh nội dung công tác vận hành hồ Kẻ Gỗ, lưu lượng xả lớn, bất ngờ vào ngày 19/10 lên đến 1.050m3/s có phải là nguyên nhân dẫn đến hạ du hồ ngập sâu, người dân "trở tay không kịp" hay không? Ngoài nguyên nhân khách quan có nguyên nhân chủ quan liên quan công tác vận hành, điều tiết, xả lũ của cơ quan quản lý hay không? Công tác sơ tán dân của tỉnh có chậm và bị động hay không khi tối 18/10 nước đã ngập, dân chạy lũ trong đêm nhưng đến 8h sáng 19/10 UBND tỉnh mới phát lệnh sơ tán? Đến ngày 20/10 vẫn còn rất nhiều người dân kêu cứu lên mạng xã hội?
Trả lời những câu hỏi này, ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, đợt mưa từ ngày 18 – 20/10 là đợt mưa bất thường, chưa bao giờ xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh, lớn hơn rất nhiều lượng mưa của lũ năm 2006, 2010. Khu vực TP.Hà Tĩnh lượng mưa thời điểm cao nhất là 1.364 mm, đây là lượng mưa cao kỷ lục. Mưa diễn ra trên địa bàn tỉnh suốt 47 tiếng đồng hồ không dứt.
Còn ông Nguyễn Bá Đức, Phó giám đốc sở NN&PTNN tỉnh Hà Tĩnh cho hay, hồ chứa nước Kẻ Gỗ dung tích là 345 triệu m3, cao trình 32,5m. Trong mưa lũ, cốt hồ Kẻ Gỗ giữ mức 30,5m. Vào 7h sáng 15/10, cao trình mực nước trong hồ là 25,8m. Đến 6h ngày 18/10 lên 29,13m. Lưu lượng nước đến hồ lúc 4h sáng 19/10 đỉnh lũ đạt 2.539m3/s, cao hơn đỉnh lũ 2010 lớn hơn rất nhiều.
Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả xả lũ từ 13h ngày 18/10 với lưu lượng tăng dần từ 50 m3/s lên 200 m3/s và lưu lượng xả lớn nhất là 1.060 m3/s. Tuy nhiên, mức xả cao nhất chỉ duy trì trong vòng 1 tiếng đồng hồ từ 9h - 10h giờ sáng ngày 19.10, sau đó giảm dần.
“Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hạ du hồ Kẻ Gỗ ngập sâu và nhanh đó là: Lượng mưa lớn, liên tục trong thời gian dài ở cả thượng lưu và hạ lưu hồ Kẻ Gỗ. Thứ 2 là mực nước tại huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà đều phụ thuộc vào thủy triều. Mưa dịch ra biển nên lưu lượng nước thoát ra khó. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế hạ tầng cũng đã dẫn đến thoát lũ chậm. Hồ Kẻ Gỗ đã phát huy hiệu quả khi cắt lũ 200 triệu m3, nếu không có hồ cắt lũ thì hạ du sẽ còn ngập sâu hơn nữa”, ông Nguyễn Bá Đức nói.
Tiếp cho nội dung trên, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc phụ trách công ty Thủy lợi TNHH MTV nam Hà Tĩnh nói, thiết kế của hồ Kẻ Gỗ không có xả đáy mà chỉ xả tràn đó chỉ là lý do vì sao trước đó có dự báo mưa nhưng hồ chưa xả lũ.
Lượng nước của hồ vào 7h ngày 15/10 là 26,62m, thấp hơn ngưỡng xả tràn 0,7m. Đến 6h ngày 18/10, lượng mưa lớn đã khiến mực nước tại hồ tăng lên 29,13m, cao hơn ngưỡng tràn xả lũ 2,63m (trong vòng 24h mực nước hồ tăng lên 2,51m). Lúc này, hồ mới bắt đầu xả lũ vào 13h là 30m3/s sau đó tăng dần lên. Tuy nhiên, vào 6h ngày 19/10, lượng nước lên quá nhanh, nguy cơ vỡ đập, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu tăng lưu lượng xả lên 1.050m3/s.
“Chúng tôi chia sẻ với những thiệt hại của bà con nhân dân trong cơn lũ vừa qua. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn, vượt dung tích hồ chứa. Còn quá trình vận hành, xả lũ chúng tôi đã xả lũ đúng quy trình”, ông Tâm khẳng định.
Tại cuộc họp, đại diện chính quyền địa phương huyện Thạch Hà thừa nhận, mặc dù đã nỗ lực, linh động trong công tác sơ tán dân nhưng vẫn có sự lúng túng, đặc biệt là ở dưới cơ sở do thiếu nhân lực và phương tiện. Điều này, lý giải cho việc, khi lũ lên rất nhiều người dân vẫn đang mắc kẹt.
Dân tái nghèo sau lũ
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN - PTNT) cho biết, tối 18/10, ngay sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh về vấn đề xả lũ tại hồ Kẻ Gỗ, đơn vị này đã chỉ đạo cuộc họp khẩn cấp ngay trong đêm.
“Sáng sớm ngày 19/10, chúng tôi đã cử đoàn công tác có mặt ở hồ Kẻ Gỗ để đánh giá về tình hình mưa lũ nhằm phối hợp đưa ra biện pháp ứng phó. Trong điều kiện còn hạn chế vận hành, tỉnh Hà Tĩnh đã cắt được 200 triệu m3 nước cho hạ du, việc này tôi đánh giá rất cao. Mưa ở hạ du lớn như vậy nhưng nếu chúng ta không cắt được lượng nước lớn từ hồ đổ về thì sẽ rất nguy hiểm”, ông Tú nói.
Tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho hay, những thiệt hại của cơn lũ vừa qua là rất lớn. Đến chiều hôm qua 23/10 đã có 374 tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ thông qua ban cứu trợ tỉnh. MTTQ tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ 11 tỷ cho các huyện bị ảnh hưởng.
“Sau lũ, sẽ có rất nhiều hộ dân tái nghèo, hộ khá giả có khi cũng thành hộ nghèo, hộ thoát nghèo rồi thì sẽ tái nghèo. Tỷ lệ tái nghèo của tỉnh sẽ tăng cao. Hiện nay, nhu cầu của bà con là sinh kế sau lũ, các nhu yếu phẩm đã cơ bản rồi. Bà con cần giống cây, con giống cho vụ Đông Xuân. Nhà ở, trang thiết bị, sách vở của học sinh rất cần được hỗ trợ. Các đoàn thiện nguyện nên liên kết với địa phương để có sự ủng hộ thiết thực nhất”, bà Mai Thủy nói.
Hà Tĩnh vừa trải qua 1 đợt lũ lịch sử với những thiệt hại vô cùng nặng nề về người và kinh tế. 6 người tử vong, 42.456 hộ với hơn 151.288 bị ảnh hưởng; 132 ha lúa, cây ăn quả, hoa màu, 2.317ha nuôi trồng thủy sản, 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu bị ngập và thiệt hại. 40 trạm y tế; bệnh viện huyện Cẩm Xuyên bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng nhiều hóa chất, thuốc men, trang thiệt bị hiện đại.
Nhiều công trình giao thông, đường tỉnh lộ, huyện lộ, trường học, cơ quan, hệ thống công trình hồ đập bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp, tiểu thương trên địa bàn vùng lũ bị ngập và hư hỏng thiết bị, máy móc vật tư, phương tiện, hàng hóa. Đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại nhưng ứớc lượng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.