Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm này đã hội tụ đủ mọi điều kiện để hạ lãi suất nhằm "cứu" doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, các bên đang ngóng chờ động thái tích cực từ phía đơn vị "cầm cân nảy mực" - Ngân hàng Nhà nước.
“Bỏ lỡ nhiều cơ hội hạ lãi suất”
Mấy ngày qua, thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang rục rịch giảm lãi suất để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp khiến dư luận cả nước quan tâm. Nhiều người cho rằng, đây là một tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp đang ngày đêm mòn mỏi chờ "nguồn sống". Tuy nhiên, nhận xét về vấn đề này, nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn về thời điểm và mức hạ lãi suất sẽ là bao nhiêu.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: "Tôi đã rất nhiều lần nêu ý kiến về việc nên giảm lãi suất ngân hàng. Và, cách đây không lâu, tôi đã viết thư cho Thủ tướng Chính phủ về nội dung chính sách tiền tệ trong đó có nói đến việc hạ lãi suất để cứu các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn. Mặc dù đến bây giờ, NHNN mới có ý định hạ lãi suất có thể coi là muộn nhưng vẫn còn hơn là cơ quan này không có động thái gì.
Theo tôi, cơ quan này cần thể hiện vai trò của mình bằng cách cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay với lãi suất 3-4% và chỉ đạo NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất hợp lý là 6-7%. Bởi hiện tại, lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức 10% đã gây quá nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp. Nếu lãi suất từ 15% trở lên, nó sẽ là "vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để NHNN giảm lãi suất.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp ở Mỹ thời điểm hiện tại chỉ 2 - 3%, Nhật chỉ 1- 2% và mức 7% được xem là mức cao nhất trong khu vực Đông Á. Do đó, điều cần thiết chúng ta phải làm lúc này là phải đưa lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp xuống dưới 10%. Bởi, khi một doanh nghiệp Việt Nam "hưởng" lãi suất cao của ngân hàng, họ không chỉ gặp khó khăn trong vấn đề sản xuất mà còn bất lợi khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Bởi trên thực tế, khi lãi suất cao, các doanh nghiệp không giảm giá thành sản phẩm được, sẽ bị các doanh nghiệp khác "qua mặt" trong cuộc đua trên thị trường.
Cũng theo ông Bùi Kiến Thành, khi hạ lãi suất, chắc chắn sẽ có nhiều người lo lắng rằng, việc làm này sẽ khiến người dân sẽ không mặn mà gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, lúc đó, các ngân hàng sẽ có một nguồn tiền từ hướng khác chảy vào. NHNN là cơ quan điều tiết, khi nền kinh tế không có đủ tiền, họ phải cung ứng đầy đủ lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. "Việc khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất "khủng" là một kênh đầu tư vô cùng thụ động", chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đại Lai, nguyên phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (NHNN) cho hay, ông đã nhiều lần chia sẻ với báo chí cũng như nêu ý kiến ở nhiều cuộc hội thảo về vấn đề lãi suất rằng, chúng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để giảm lãi suất ngân hàng. Bởi, điều kiện hạ lãi suất đã có từ đầu quý IV. Theo ông Lai, đến bây giờ, các ngân hàng vẫn chưa làm điều này vì vốn cũ của họ đang bị "ế", có lẽ là do đầu ra của tín dụng rất hẹp. Khi huy động, họ đưa ra mức lãi suất quá cao trong khi nhu cầu vay của xã hội lại quá yếu.
Tiếp đó, các ngân hàng lấy số vốn "ế" đầu tư vào những nơi sinh lãi thấp, không có lãi, thậm chí là lỗ. Chính vì thế, các ngân hàng nếu chấp nhận hạ lãi suất để cho vay thì sẽ lỗ và không thể "gượng dậy" được. Đến thời điểm này, họ đang trong tình cảnh, nếu không hạ lãi suất thì không có khách hàng, còn nếu đưa mức lãi suất xuống thấp sẽ chịu lỗ lớn.
Cũng theo TS Lai, đến thời điểm này, có rất nhiều ý kiến tranh cãi về việc giảm lãi suất ở mức nào là hợp lý. "Theo ý kiến của tôi, NHNN nên giảm trần lãi huy động xuống thêm 1- 2% và lãi suất cho vay xuống 2 - 3%. Đây là mức hợp lý vừa tốt cho ngân hàng lại có thể tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp", ông Nguyễn Đại Lai nêu quan điểm.
Sẽ có tình trạng "lách cho vay" khi giảm lãi suất
Trong tuần qua, dù chưa có yêu cầu hạ lãi suất huy động từ phía NHNN nhưng một số ngân hàng thương mại đã có động thái "đi tắt đón đầu", điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 - 1%/năm so với tháng trước. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, cách đây ít ngày, ACB đã quyết định hạ lãi suất huy động. Cụ thể, mức lãi suất cao nhất chỉ còn 12%/năm ở kỳ hạn 13 và 36 tháng, kỳ hạn từ 1- 9 tháng, lãi suất cao nhất chỉ còn 8,8%/năm. Việc giảm lãi suất là do bản thân các ngân hàng tự "căn cơ", xem xét dựa trên tình hình thực tế của mình chứ không phải do NHNN yêu cầu", ông Toại nói.
TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Cũng liên quan đến động thái hạ lãi suất huy động, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng quyết định giảm lãi suất sâu hơn, mức cao nhất chỉ còn 11,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 và 13 tháng. Từ kỳ hạn 15 tháng trở đi, lãi suất chỉ còn 11%/năm. Trước đó, lãi suất của một số "ông lớn" cũng dần "hạ nhiệt". Tại Vietcombank, lãi suất huy động cho khách hàng cá nhân hiện cũng chỉ còn 10,5%/năm cho các kỳ hạn dài 12 - 24 - 36 - 48 - 60 tháng, còn lãi suất huy động từ khối doanh nghiệp kỳ hạn 12 tháng còn 10%/năm. Tại Vietinbank, kỳ hạn 12 - 13 tháng được giữ ở mức 11%/năm, từ 13 đến 36 tháng là 10%/năm và kỳ hạn trên 36 tháng chỉ còn duy trì ở mức 9%/năm...
Theo quan sát của chúng tôi, nếu như tháng trước, một số ngân hàng vẫn niêm yết mức lãi suất huy động 13%/năm thì hiện mức cao nhất chỉ còn khoảng 12,4%/năm, thấp nhất 8%/năm.
TS. Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định, việc giảm lãi suất trong thời điểm này có 3 yếu tố. Thứ nhất, lạm phát đang vào thời điểm ổn định. Đây là điều kiện khá tốt để NHNN điều chỉnh lãi suất thấp hơn. Thứ hai, từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu Chính phủ giảm khá mạnh và dự đoán cuối quý này còn giảm nữa. Trái phiếu Chính phủ giảm đồng nghĩa với việc thanh khoản của các ngân hàng đã tốt hơn. Trong khi đầu ra tín dụng bị hạn hẹp nên các ngân hàng buộc phải mua trái phiếu Chính phủ. Thứ ba, việc nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khốn đốn đã 3 năm nay. Đến thời điểm này, Chính phủ nên có động thái giảm bớt khó khăn cho họ.
Vị phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng cho rằng, việc hạ lãi suất cũng sẽ khiến cho nhiều ngân hàng có cơ hội "lách luật". Bình thường thì quy định lãi suất cho vay dễ kiểm soát hơn trần lãi suất tiền gửi. Bởi vì, khi các ngân hàng cho vay vượt trần, doanh nghiệp sẽ vừa là khách hàng, vừa là người đứng ra tố cáo. Ngược lại, khi các nhà băng "phá rào" lãi suất huy động, người gửi sẽ càng ủng hộ ngân hàng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa nhiều năm qua các cơ quan chức năng chưa làm triệt để được tình trạng "lách luật" của một số ngân hàng. "Thậm chí, các ngân hàng sẽ tìm cách "bao biện" bằng cách lấy cớ huy động tương đối cao nên khó có thể cho vay. Và sau đó, họ lựa chọn con đường an toàn hơn cho các doanh nghiệp khó khăn vay là đầu tư vào trái phiếu chính phủ, thậm chí đầu tư vào các kênh tín dụng như tín dụng tiêu dùng, tín dụng chứng khoán... Đây là điều mà NHNN cần có biện pháp ngăn chặn khi hạ lãi suất", ông Nghĩa nhấn mạnh. |
Vương Chân - Anh Văn