Động thái này diễn ra sau khi có nhiều ý kiến cho rằng Hà Lan thiếu nơi tạm trú cho những người di cư không phải là công dân Ukraine.
Một quan chức thành phố Utrecht, miền Trung Hà Lan, cho biết, cơ sở mới mở cửa vào ngày 28/3, được cải tạo từ một tòa nhà trước đây từng là sòng bạc và sẽ mở cửa trong 4 tuần.
Quan chức này nói thêm, các điều kiện tại trung tâm dành cho người xin tị nạn vốn có hiện nay là “thảm họa”. Các nhóm bảo vệ quyền con người ngày 26/3 cho biết, trung tâm Ter Apel hiện nay có tới 700 người buộc phải “chen chúc” trong không gian vốn chỉ dành cho 275 người. Nhiều lều trại tạm bợ cũng đã được thiết lập bên ngoài trung tâm này để có thêm chỗ ở cho người tị nạn.
Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Hà Lan, cơ quan tị nạn Hà Lan và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, có những người tị nạn còn phải ngủ trên ghế, thậm chí trên mặt đất vì thiếu giường ngủ.
Giới chức địa phương hồi tuần trước còn cho biết đang cân nhắc đóng cửa trung tâm trên. Điều này có nghĩa những người tị nạn từ Afghanistan, Yemen và Syria sẽ phải lang thang ngoài đường. Người đứng đầu Hội Chữ thập Đỏ Hà Lan, Marieke van Schaik, kêu gọi chính phủ và các tỉnh, thành phố làm mọi thứ có thể để ngăn chặn kịch bản này.
Những tuần gần đây, giới chức các địa phương Hà Lan đã lập hàng chục nghìn nơi ở tạm thời cho đa số là người Ukraine rời khỏi nước này vì xung đột.
Tính tới ngày 16/3/2022, đã có hơn 3 triệu người Ukraine sơ tán khỏi đất nước và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Hôm 3/3, Ủy ban châu Âu thông qua chỉ thị khẩn cấp cho phép người tị nạn Ukraine được đối xử bình đẳng như công dân Liên minh châu Âu (EU), được sống và làm việc trong khối tối đa 3 năm. Họ được phép vào EU mà không cần thị thực và được chọn đến quốc gia nào muốn tới. Điều này khác với quy định của EU lâu nay là lẽ ra họ phải xin tị nạn tại quốc gia thành viên nơi đầu tiên nhập cảnh.
Thái độ ứng xử của châu Âu với người tị nạn Ukraine trái ngược với những người di cư đến từ những nước khác.
Trong các năm 2015 và 2016, trước làn sóng di cư đổ vào châu Âu, trong đó có nhiều người từ Syria và Iraq, ngoài Đức đã tiếp nhận 1 triệu người, Brussels đã phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận cho các nước trong EU. Nhưng không phải mọi thành viên đều sẵn sàng nhận chỉ tiêu đó, lý do là đang khó khăn kinh tế, lo cho dân trong nước còn chưa xong.
Cuối năm 2021, hàng trăm người Iraq, Syria, Afghanistan và một số nước khác mắc kẹt tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan khi tìm cách vào Tây Âu qua Belarus. Trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán tuyên bố Hungary tiếp tục duy trì chính sách nhập cư "không cho bất cứ ai vào"...
Sự khác biệt trong đối xử này có lẽ trước tiên vì những người Ukraine tháo chạy là do chiến tranh. Về vấn đề tị nạn do chiến tranh thì các nước châu Âu vẫn áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về người tị nạn năm 1951, tức là sau Thế chiến 2, nhằm áp dụng cho những người tị nạn tạm thời do chiến tranh tại châu Âu. Điều này có nghĩa họ chỉ sống tại một quốc gia khác một thời gian, sau đó trở lại quê nhà khi hòa bình lập lại.
Sau khi Công ước 1951 được thông qua, các tình huống tị nạn bắt đầu phát sinh. Điều này dẫn tới việc Liên hợp quốc muốn Công ước 1951 trở thành công cụ quốc tế chung cho người tị nạn và đưa tới nghị định thư về người tị nạn của Liên hợp quốc năm 1967. Tới nay, 114 quốc gia trên thế giới đã trở thành thành viên của Công ước 1951 và/hoặc Nghị định thư năm 1967.
Khác với Iraq, Afghanistan, Somalia..., Ukraine là một phần của châu Âu. Những quốc gia như Ba Lan, Hungary, Romania, dễ thấy ở Ukraine những điểm tương đồng với những gì họ đã phải trải qua và chịu đựng trong Thế chiến 2. Hơn nữa, người dân Ukraine tháo chạy là do chiến tranh, không phải vì lý do kinh tế. Họ cũng không đem lại nỗi lo về nạn khủng bố hay cuồng tín cực đoan.
Tuy nhiên vẫn có những ý kiến so sánh sự đối xử của các chính phủ EU với người Ukraine và người nước khác. Nghị sĩ Rosa Lund, thuộc Đảng Danh sách hợp nhất của Đan Mạch, cho rằng cần sửa đổi luật nhập cư hiện hành của Đan Mạch để cấp quyền tị nạn cho tất cả những người cần được bảo vệ. Theo bà, một người tị nạn là một người tị nạn và nhu cầu được bảo vệ không dành riêng cho một số quốc gia hay một dân tộc cụ thể nào.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)