Lâu nay tại Hà Nội, các vườn hoa, công viên ngoài tác dụng là nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân như hóng mát, tập thể dục, khu vui chơi cho trẻ em thì còn là những chốn hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân. Nếu như về nhà thường bị các bậc phụ huynh săm soi nhắc nhở, đi café không phải là giải pháp tốt cho các cặp ít tiền thì ghế đá công viên đúng là một chốn trong mơ cho những tâm tình, những âu yếm dịu nhẹ.
Những chiếc ghế đá công viên tưởng chừng sẽ mãi mãi là một nhân chứng trầm lặng và bình dị, là nơi ghi dấu những kỷ niệm ngọt ngào của tình yêu. Vậy mà chẳng hiểu sao, vài năm trở lại đây cái chốn “vô tư và lãng mạn” đó bỗng dưng trở thành nguyên cớ của không biết bao nhiêu là chuyện bi hài, những tình huống dở khóc dở cười. Nhiều cặp yêu nhau đã phải "méo mặt" vì nếu không ăn uống một thứ gì đó (với giá cắt cổ) ở quán kế bên thì chẳng thể kiếm được ghế ngồi. Không những thế, đôi nào có bỏ tiền ra uống nước để có ghế ngồi, nhưng ngồi lâu quá thì bị chủ quán nhắc nhở, thậm chí là xua đuổi để lấy chỗ "nhử" người khác. Thế nên, những người có “kinh nghiệm đến công viên” đành ngồi trên xe máy mà tâm sự cho đỡ bị "cháy hầu bao", dù ghế đá ngay cạnh đang bỏ trống!.
Tất thảy những ai từng ghé qua khu công viên Lý Tự Trọng và khu vực bờ hồ Tây đoạn ven đường Cổ Ngư nổi tiếng lãng mạn (đường Thanh Niên bây giờ); vườn hoa trước cổng trường ĐH Thủy Lợi (Đống Đa); công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy) hoặc bất cứ bờ hồ nào ở Thủ đô, nếu để ý quan sát, có thể dễ dàng nhận thấy có đến 90% ghế đá ở những khu vực này đã bị các chủ quán cóc chiếm giữ, “cho thuê”. Chỗ nào hẹp thì có thể chỉ có một “đầu nậu ghế đá”, còn những chỗ rộng thì họ chia nhau bằng hình thức bày sẵn đồ hàng lên ghế đá, chẳng hạn như vỏ quả dừa, can nước, hay thậm chí họ để cả ghế nhựa lên ghế đá,... Và "luật làm ăn" ở đây là các chủ quán tự ý biết giữ vùng của mình, phối hợp với nhau để... chiếm ghế. Cứ thế, chỉ cần thấy ai đó định ngồi vào là họ ngay lập tức tiến đến: “Uống nước không? Không uống thì đi chỗ khác, ghế đá này của tôi đấy” (!)
... Hơn 6 giờ chiều, gió từ ven bờ hồ Tây thổi mát lồng lộng. Giới trẻ Hà Nội lâu nay vẫn gọi đây là bến yêu Hàn Quốc vì cảnh đẹp như trong phim Hàn. Chiều càng muộn càng nhiều cặp tình nhân chở nhau trên xe máy rẽ vào con đường ven hồ. Huy Linh, chàng sinh viên năm ba trường Đại học Văn Hóa và bạn gái là Hiền cũng vừa đỗ xe xuống. Nhìn thấy chiếc ghế đá công cộng có hai vỏ chai nước ngọt trống rỗng, Hiền vơ vội định ném vào sọt rác để lấy chỗ ngồi. Bỗng cô giật bắn mình vì tiếng quát lớn: “Không phải chỗ bỏ hoang đâu mà tự nhiên thế!.. Ngoảnh lại, Hiền thấy một phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi, vẻ mặt “đậm chất chợ búa” đang tiến lại. Câu nói của chị ta khiến đôi trai gái ngơ ngác nhìn quanh rồi đứng phắt dậy, bật lên, sợ sệt. Chưa ai kịp nói gì, chị ta đã hất hàm: “Hai em uống ước dừa, sấu hay trà đá để chị lấy?. Đôi bạn trẻ vừa ngỏ ý từ chối thì chị hàng nước đã thẳng thừng: “Không uống thì trả ghế để tôi còn bán hàng”. “Ghế công viên mà ?”, Linh thắc mắc. “Nhưng tôi phải lau chùi và giữ mới còn chỗ thế này chứ”, vừa nói chị hàng nước vừa cầm giẻ lau phe phẩy, đuổi khéo.
Ngượng chín mặt với bạn gái, chàng trai đành tặc lưỡi: “Thôi, cho em một quả dừa”. Rất nhanh, quả dừa được đem đến đặt lên ghế đá như xác định quyền sở hữu chốn yêu của hai người. “Cho xin 50 nghìn”, chị bán hàng đòi tiền. Cả hai nhìn nhau ngơ ngác vì cùng bất ngờ về mức giá cắt cổ. Chị hàng nước khẽ cười: “Giờ luật ở công viên nào chả thế hả em”.
Thiết nghĩ, lâu nay Hà Nội vẫn thường tự hào là chốn hào hoa, lịch thiệp, là nơi có nhiều công viên hồ nước xanh mướt, nên thơ. Vậy mà chỉ vì sự lơi lỏng của những người quản lý, không gian đó đã bị chiếm dụng thành nơi để hàng rong chặt chém. Các cặp tình nhân thì rơi vào cảnh “vào cười, ra mếu”. Không biết đến bao giờ những họ mới được thành thơi mà nghĩ về cái thời “hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp, đường Cổ Ngư xưa, chầm chậm bước ta về...”
Nguyên My