Hà Nội buộc dân kê khai 32 thông tin cá nhân làm gì?

Hà Nội buộc dân kê khai 32 thông tin cá nhân làm gì?

Thứ 6, 18/10/2013 09:33

Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an xem xét việc Công an TP. Hà Nội thu thập 32 thông tin của công dân thời gian qua.

"Người dân Hà Nội phải kê khai 32 thông tin cá nhân" là chủ đề được quan tâm nhất tại cuộc họp báo Quý III do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (17/10).

Công an TP. Hà Nội đang tổ chức thu thập thông tin cá nhân của người dân. Theo đó, người dân phải kê khai 32 thông tin như họ tên, cha mẹ, số điện thoại, email... Câu chuyện đang khiến nhiều người thắc mắc vì có những thông tin trong bản kê khai thuộc nội dung không bắt buộc theo quy định pháp luật. Trong khi đó, những thông tin cần thiết theo quy định đều đã kê khai trong giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch... Việc kê khai này nhằm mục đích gì vẫn đang là câu hỏi lớn.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) xác nhận, đã nắm thông tin vụ việc qua báo chí phản ánh. Cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xem xét vấn đề này để có hướng xử lý.

Luật sư - Hà Nội buộc dân kê khai 32 thông tin cá nhân làm gì?

Bản kê khai thông tin cá nhân.

Tại cuộc họp báo, có ý kiến thắc mắc: "Chúng tôi được phát một bản kê khai dài 4 trang giấy. Trong đó, bản kê khai yêu cầu điền thông tin email cá nhân, cơ quan công tác, số điện thoại. Thậm chí công dân phải khai cả quá trình công tác từ 14 tuổi tới nay."

Ông Ngô Hải Phan cho biết: "Chính tôi cũng được yêu cầu kê khai thông tin này. Một cán bộ công an khu vực đã đến nhà và phát cho tôi bản kê khai." Trong khi đó, ở địa bàn khác, người phát bản kê khai là tổ trưởng dân phố. Tuy nhiên, ông Phan cũng cho hay, trong 32 nội dung kê khai, có phần in đậm, in nhạt.

“Chưa hiểu là có phải kê khai bắt buộc cả 32 nội dung này hay chỉ những phần in đậm?” – Ông Phan đặt vấn đề.

Trước câu hỏi, việc làm này của Công an TP. Hà Nội có vi phạm Nghị định 90 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, ông Ngô Hải Phan cho rằng vẫn cần có quy trình nghiên cứu, xem xét. Ông Cục trưởng cũng cho rằng, Công an Hà Nội thực hiện việc này có thể đã có sự thông qua của Bộ Công an. Nhưng việc làm này có nằm trong chương trình thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hay không, ông Phan trả lời không biết. Cách làm như thế nào, theo ông Phan, chưa thể kết luận là đúng hay sai.

"Chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an xem xét. Mọi việc đều phải có quy trình. Không thể lập tức đưa ra kết luận là Công an Hà Nội làm đúng hay sai. Chúng tôi đang chờ ý kiến của Bộ Công an trước rồi mới có ý kiến chính thức của mình" - Ông Phan nói.

Ông Phan cũng nhấn mạnh, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính do Bộ Công an thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, công tác thu thập thông tin công dân đều do Bộ Công an thực hiện. Bộ Tư pháp chỉ hướng dẫn, sửa đổi các văn bản, quy định liên quan.

Theo Nghị định 90/2010/NĐ-CP, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:

a) Số định danh cá nhân;

b) Ảnh chân dung;

c) Họ và tên;

d) Ngày, tháng, năm sinh;

đ) Giới tính;

e) Nơi sinh;

g) Quê quán;

h) Dân tộc;

i) Tôn giáo;

k) Quốc tịch;

l) Chứng minh nhân dân;

m) Hộ chiếu;

n) Thẻ bảo hiểm y tế;

o) Mã số thuế cá nhân;

p) Trình độ học vấn;

q) Trình độ chuyên môn, kỹ thuật;

r) Nghề nghiệp, nơi làm việc;

s) Tình trạng hôn nhân;

t) Nơi thường trú;

u) Nơi ở hiện tại;

v) Họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng;

x) Họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu.

Theo Khám phá

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.