Tham gia lớp học tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng chống cháy nổ cho người dân do Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) tổ chức tối 15/2, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì những thành phần tham gia dự học.
Số người tham gia lớp học, đa phần là những ông lão, bà lão, có người thậm chí đã tuổi 80 và già hơn nữa… Có cả những cháu nhỏ đang học lớp 3, lớp 4 góp mặt trong lớp học. Tuy nhiên, cũng có một số người dù có con nhỏ vẫn bồng con đến tham gia học.
Đây là lớp học được cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 chuẩn bị khá công phu và kỹ lưỡng nhằm trang bị, nâng cao kiến thức phòng chống cháy nổ cho người dân sinh sống trong khu vực phường Ô Chợ Dừa.
Trước khi lớp học diễn ra chừng 1 tuần, lực lượng PCCC, tổ dân phố đã đi vận động từng hộ đến tham gia học để nâng cao kiến thức, qua đó giảm thiểu rủi do cháy nổ. Thế nhưng nhìn vào thành phần góp mặt trong lớp học, nhiều người không khỏi ngao ngán, từ đó cho thấy kiến thức phòng chống cháy nổ chưa được mỗi người dân thực sự coi trọng.
Dù vậy, không nản lòng, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 vẫn nhiệt huyết trên bục giảng từng giây phút, tuyên truyền, phổ biến cho người dân từng bài học, từng kinh nghiệm xử lý khi xảy ra cháy nổ.
Buổi học kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ với không khí hào hứng của những người tham gia. Nhiều ông lão, bà lão lần đầu được trực tiếp cầm bình cứu hỏa phun vào đám cháy giả định, thực hành chữa cháy tại chỗ trong từng trường hợp mà trước đó nhiều người không đủ can đảm hay không được biết.
Sau buổi học, nhiều người chia sẻ: “Có đi học mới thấy được cần phải làm gì khi xảy ra cháy nổ, cần phải làm gì để tránh cháy nổ.”.
“Trước buổi hôm nay thì chúng tôi coi thường lắm, chả biết khi xảy ra cháy phải làm gì đầu tiên nhưng sau buổi hôm nay thì chúng tôi đã hiểu cần phải làm gì để bảo vệ tài sản của mình”, ông Nguyễn Huy Loan, Tổ trưởng Tổ dân phố số 67, phường Ô Chợ Dừa chia sẻ.
Cũng theo ông Loan, Tổ dân phố của ông có hơn 100 hộ dân, nhưng hôm nay đến đây rất ít dù đã thông báo trước 1 tuần. “Trước giờ học, tôi đi gọi nhưng họ cũng không đến. Chỉ khoảng 15% hộ dân đến”, ông Loan chia sẻ.
Cũng theo đại diện Tổ dân phố 67, lý do khiến nhiều người trẻ không tham gia học PCCC là do bận công việc và chưa thực sự chú trọng công tác PCCC. "Sau buổi học chúng tôi sẽ về tuyên truyền lại cho các thành viên trong gia đình và tổ dân phố", ông Loan chia sẻ.
Cũng tham gia buổi học, bạn Nguyễn Lan Hương, sinh viên năm thứ nhất Học viện Âm nhạc (một trong 2 nữ sinh đến dự - PV) cho biết: “Khu vực chúng em ở có rất đông sinh viên nhưng chúng em không quan tâm mấy đến việc phòng cháy, chữa cháy vì còn mải chơi, hoặc suy nghĩ đơn giản mình không đun nấu gì ở phòng thì không sợ và không quan tâm tìm hiểu. Chiều tối nay em không đi chơi nên khi cô chủ nhà gọi đi, em đã rủ bạn gái cùng phòng tới đây”.
Chia sẻ cảm xúc khi bê bình cứu hoả dập lửa phun ra từ bình ga, Lan Hương cho biết: "Đầu tiên em cũng sợ, lúng túng khi tháo chốt bình để phun vào ngọn lửa. Sau khi làm xong em cảm thấy tự tin hơn và qua bài giảng của anh Cảnh sát PCCC em đã thấy được hiểm nguy khi thờ ơ, không quan tâm đến cách phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm khi có hoả hoạn xảy ra".
Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho hay: Năm 2016, đơn vị đã tham mưu cho quận Ba Đình và Đống Đa tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức PCCC cho trưởng phó các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị.
“Các tổ dân phố mời các hộ dân đến hội trường, sau đó chúng tôi đến tuyên truyền. Những cuộc tuyên truyền như này chúng tôi không giảng lý thuyết nhiều mà thường đưa ra những nguyên nhân gây cháy nổ trong các hộ gia đình, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa cho họ, phương pháp chữa cháy, tầm quan trọng của PCCC. Tuy nhiên, tồn tại một thực tế đáng buồn là người dân có thể trang bị rất nhiều đồ đạc có giá trị tài sản trong gia đình, nhưng lại không mua bình chữa cháy. Chúng tôi cũng tuyên truyền về tác dụng của bình chữa cháy, hướng dẫn cho người dân cách sử dụng, từ đó người dân đã bắt đầu mua bình chữa cháy. Năm 2016, các vụ cháy nhỏ dân tự chữa chứ không có cháy lớn”, đại tá Nguyễn Trường Sơn nói.
Nhất Nam