Xe máy gây ô nhiễm ít hơn so với ô tô
Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị đến năm 2025, tầm nhìn 2030".
Trong đó, chính quyền thành phố giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng lập đề án "phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".
Phương tiện xe máy hiện nay ở Thủ đô đang chiếm 70% lưu lượng
Đây không phải lần đầu người dân Hà Nội nghe đến đề án "cấm xe máy". Năm 2017, thành phố đã nêu đề xuất cấm xe máy ở 5 quận nội đô, bắt đầu thực hiện từ năm 2025, rút kinh nghiệm triển khai tiếp giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030.
Việc Hà Nội cấm xe máy tại các quận từ năm 2030 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ - Chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc cấm xe máy hoạt động ở nội đô vào năm 2030 là thiếu khả thi.
Theo ông Thuỷ, hiện nay hạ tầng giao thông còn yếu kém, đường sá hẹp, việc cấm xe máy hoạt động sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Hà Nội đang có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó trên 6 triệu xe máy. Trong khi, mỗi ngày toàn thành phố có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng hơn 10%. Nếu vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội chưa thể đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân thì chưa thể cấm xe máy.
“Phương tiện xe máy hiện nay ở Thủ đô đang chiếm 70% lưu lượng. Nếu cấm xe máy trong khi giao thông công cộng chưa phát triển thì người dân đi lại, làm ăn bằng gì, đặc biệt là những người thường xuyên phải di chuyển bằng xe máy”, ông Thuỷ nói và cho biết, Hà Nội cần có lộ trình, quy hoạch cụ thể.
Ông Thuỷ nhấn mạnh, đời sống người dân vẫn còn khó khăn, phần lớn người dân phải dùng xe máy là phương tiện để kiếm sống. Do đó, việc cấm xe máy có thể gây mất việc làm cho rất đông người dân Thủ đô, đây chính là vấn đề cần được giải quyết.
TS. Nguyễn Xuân Thuỷ
Ngoài ra, ông Thuỷ cũng đặt câu hỏi, xe máy gây ô nhiễm ít hơn nhiều so với ô tô, xe máy cũng chiếm diện tích ít hơn so với ô tô. Vậy tại sao chỉ cấm xe máy mà không cấm ô tô cá nhân? Từ nay đến năm 2040, Hà Nội vẫn sẽ có 20 – 30% người dân đi xe máy.
Ông Thuỷ cũng lo ngại trong trường hợp TP Hà Nội cấm xe máy, người dân có thể đổ xô đi mua ô tô hoặc chọn ô tô làm phương tiện di chuyển chính. Trong khi hạ tầng còn yếu kém, nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở nội đô có thể tăng gấp nhiều lần so với hiện nay.
Hà Nội cần đưa ra mốc thời gian và mục tiêu cụ thể
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, chính quyền Hà Nội lâu lâu lại khơi lại đề án “cấm xe máy” và không đưa ra được đề án hay lộ trình rõ ràng để công bố, cam kết với người dân, chỉ nêu chung chung khiến mọi người hoang mang hơn.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trước khi cấm xe máy, Hà Nội phải phát triển được vận tải hành khách công cộng như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, xe buýt nhanh, xe buýt thường… phải cam kết đến năm 2023, năm 2024 làm được gì để phục vụ cho người dân đi lại thuận tiện hơn.
Bên cạnh đó, Hà Nội phải đưa được các trường đại học, cơ sở kinh tế, cơ quan hành chính ra ngoài nội đô. Đồng thời, phải phục vụ đủ các tuyến xe buýt chuyên chạy những tuyến đường này thì mới giải quyết được phương tiện đi lại cho người dân.
Theo ông Thanh, bản thân ông rất muốn hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô và đồng tình với đề án này. Tuy nhiên, Hà Nội phải có quy hoạch cụ thể chứ đề án này được đưa ra gần chục năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Quá trình xây dựng đề án, sở ngành của Hà Nội cần đưa ra mốc thời gian và mục tiêu cụ thể. Việc này nhằm thông báo cho người dân biết để thích nghi dần.
Về mốc thời gian 2030, ông Thanh khẳng định Hà Nội khó thực hiện được. Ông lý giải trong 10 năm, thành phố mới có thể hoàn thành 12km của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đến năm 2030, thành phố khả năng chỉ có thêm một tuyến Nhổn - ga Hà Nội. Hai tuyến này chưa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.
“7 năm nữa Hà Nội phải làm sao để đạt được 50% phương tiện vận tải công cộng thì hãy nghĩ đến việc cấm xe máy cá nhân, nếu không đạt được thì đừng nói”, ông Thanh nhấn mạnh và cho biết, trong khi đó ô tô là phương tiện gây nguy cơ ùn tắc và tạo ra lượng khí thải cao hơn xe máy.
Quỳnh An