Nơi “bốn phương hội tụ” của văn hóa
Tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh – Hiện đại” sáng ngày 21/3, GS.TS Đặng Cảnh Khanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên bàn về khái niệm văn hiến và văn hiến Thăng Long.
Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, phân tích dựa trên cơ sở lịch sử, ta có thể khẳng định rằng khái niệm văn hiến là bao hàm không chỉ nội dung văn hóa, văn minh mà còn chứa dựng một yếu tố quan trọng nữa, đó là những hiền tài của đất nước. Nền văn hiến của một dân tộc bao gồm cả trình độ văn hóa và số lượng hiền tài của dân tộc ấy.
Sau khi làm rõ khái niệm, GS.TS Đặng Cảnh Khanh liên hệ đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hiến Thăng Long. Theo ông, Thăng Long-Hà Nội có điều kiện giao lưu vừa rộng rãi vừa mật thiết với tất cả các vùng văn hóa khác trong cả nước, là nơi “bốn phương hội tụ” của văn hóa.
Vì là Thủ đô cho nên Thăng Long - Hà Nội thường xuyên tiếp nhận những thành phần dân cư mới từ các nơi khác đến lập nghiệp. Đó là những người vì các nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước mà đến Thủ đô. Đó là thợ thuyền bách nghệ được thu hút về Thủ đô, nơi có điều kiện hành nghề thuận lợi. Trong đó, có nhiều người đã định cư ở Thủ đô.
Từ đó, GS.TS Đặng Cảnh Khanh cũng khẳng định: "Tất nhiên, không phải tất cả những người vĩnh viễn gia nhập vào cư dân Thủ đô ấy đều là tinh hoa của bốn phương. Nhưng để có thể vững chân ở Thủ đô, họ đã phải nỗ lực nhiều và không ít người đã tạo dựng được sự nghiệp lớn cho mình. Lại có thể nói rằng ngày trước, rất nhiều nhân tài thường đạt thành tựu lớn hơn cả khi họ hoạt động ở Thăng Long - Hà Nội, vì ở Thủ đô, họ có điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi hơn các nơi khác, những thành tựu về mọi mặt dễ có điều kiện vươn lên tầm cỡ toàn quốc, toàn dân tộc”.
Thăng Long-Hà Nội, một mặt là nơi tiếp thu, chắt lọc, lưu giữ và phát triển tinh hoa văn hóa của các vùng khác, nhưng một mặt khác lại ảnh hưởng tới sự phát triển văn hóa của toàn khu vực.
Xác định nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội
Cũng tại hội thảo, GS.TS Phạm Duy Đức - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội đa dạng, giàu bản sắc, hiện nay là trung tâm chú ý để khai thác và phát huy các giá trị.
“Chúng ta vẫn hay nói “giàu bằng truyền thống, sống bằng tiềm năng”. Nguồn lực văn hóa Thủ đô giàu có, đa dạng, phong phú nhưng vẫn ở dạng tiềm năng. Tiềm năng đó có được vận hành hay không thì nó phải trở thành đầu vào của quá trình sản xuất, là nguyên nhân để tạo ra các sản phẩm văn hóa, tham gia vào phát triển kinh tế xã hội, thì lúc đó mới trở thành nguồn vốn văn hóa", GS.TS Phạm Duy Đức nhận định.
Nguồn lực văn hóa là một bộ phận quan trọng hợp thành nguồn lực tổng thể để phát triển quốc gia bên cạnh các nguồn lực khác như nguồn lực vị thế địa - chính trị, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực tài chính, nguồn lực vật chất... Nguồn lực văn hóa được xác định chung là nguồn lực dựa trên các tài sản văn hóa, các giá trị văn hóa vật thể, các giá trị văn hóa phi vật thể và năng lực sáng tạo thẩm mỹ - nghệ thuật của con người để tạo ra giá trị thặng dư trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ văn hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Có thể khái quát nguồn lực văn hóa Thủ đô Hà Nội bao gồm ba loại nguồn lực chính là nguồn lực di sản văn hóa; nguồn lực thể chế và thiết chế văn hóa và nguồn lực con người tham gia vào quá trình tổ chức, quản lý, sáng tạo và phát triển các giá trị văn hóa.
Về nguồn lực di sản văn hóa, Hà Nội không chỉ có bề dày lịch sử và văn hóa mà còn sở hữu một nguồn lực không gian, cảnh quan văn hóa và không gian kiến trúc nghệ thuật giàu bản sắc độc đáo như hệ thống sông, hồ, cây xanh thơ mộng, hệ thống các công trình kiến trúc truyền thống Hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này là nguồn tài nguyên, nguồn vốn văn hóa đã tạo nên động lực, nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
GS.TS Phạm Duy Đức nhấn mạnh trong quá trình đổi mới, tư duy văn hóa cũng cần phải đổi mới, đầu tiên là phải thay đổi từ thể chế. Muốn phát triển được phải tạo ra thể chế có ý nghĩa đột phá. Đối với thiết chế văn hóa, GS.TS Phạm Duy Đức cho rằng Hà Nội đang quan tâm đến thiết chế văn hóa mới nhưng chưa có sự quan tâm đúng mức đến thiết chế văn hóa truyền thống.
Còn đối với nguồn lực con người, GS.TS Phạm Duy Đức phân tích đây là chủ thể của phát triển văn hóa, có khả năng liên kết các nguồn lực khác và có vai trò quyết định trong việc sử dụng các nguồn lực để thúc đẩy văn hóa. Chính vì vậy nguồn lực này cần nhận diện rõ hơn trong việc phát triển văn hóa ở Thủ đô.
Cần thu hút nhân lực tinh hoa văn hóa hội tụ về Hà Nội
GS.TS Phạm Duy Đức bày tỏ, cần quan tâm đến công tác quy hoạch; đặc điểm sinh thái nhân văn của Hà Nội; đào tạo; giữ chân và thu hút tinh hoa văn hóa, nhân lực, văn nghệ sĩ tụ về Thủ đô; tạo ra môi trường phải hấp dẫn tài năng…để phát huy các nguồn lực văn hóa để xây dựng và phát triển Thủ đô phồn vinh, hạnh phúc, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.
“Cần bổ sung chính sách thu hút và sử dụng nhân tài nói chung, nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói riêng, khắc phục tình trạng Hà Nội thì “nuôi”, khi trưởng thành thì chọn nơi khác để phát triển. Hà Nội cần có chính sách đặc biệt để hội tụ tài năng của đất nước, chú trọng ở cả các khâu đào tạo, sử dụng và tôn vinh. Đồng thời, cần có chính sách tạo động lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô ”, GS.TS Phạm Duy Đức nói.
Bên cạnh đó, trong khi xây dựng quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội, cần cụ thể hóa được các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thể hiện rõ triết lý phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời trong quy hoạch này, cần có đánh giá đầy đủ về “tài nguyên nhân văn” của Hà Nội, nơi phản ánh “sức mạnh mềm” của Thủ đô như di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường văn hóa, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, các thành tựu về giáo dục, văn hóa, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực, khả năng sáng tạo, tài năng nghệ thuật, khoa học công nghệ.