Đó là câu chuyện lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, giống như một cổ tích vô cùng kỳ diệu. Anh Đỗ Sỹ N (sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) bị tai nạn tàu hỏa chết ở gần nơi mình sinh sống vào năm 2010.
Khi chết, anh N chưa đầy 30 tuổi. Vợ anh tên là Hoàng Thị Kim D cũng trạc tuổi ấy, là một tiến sĩ, giảng viên đại học tại Hà Nội. Quá đau buồn trước tình yêu và cuộc hôn nhân đứt gánh, chị D lại càng xót xa cho sự hi sinh, chờ đợi mình suốt bao năm của chồng. Chị tính: Yêu nhau hơn 5 năm, thì 5 năm chị du học bên Pháp, về nước, cưới nhau hơn 1 năm, thì 6 tháng chị lại sang Pháp bảo vệ luận án tiến sĩ. Đứa con gái đầu lòng được chừng 6 tháng tuổi thì bố nó - chồng chị D - ra đi vĩnh viễn vì một tai nạn thảm khốc.
Cặp song sinh ra đời 4 năm sau cái chết của bố.
Từ nhà xác Bệnh viện huyện Thanh Trì, chị D đã nảy sinh ý định lưu giữ cái gì đó của chồng trên trần gian, làm gì đó để bù đắp những thiệt thòi và mong mỏi cho anh ấy, làm gì đó để giữ hình ảnh anh ấy bên mình. Chị quyết định gọi điện sang Pháp tham khảo ý kiến, liên lạc với tổng đài 1080 xin số điện thoại của Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để xin… mổ tử thi, lấy tinh hoàn, tìm tinh trùng đem khẩn cấp vào “ngân hàng” trữ lạnh để lưu giữ. Tiến sũ Lê Vương Văn Vệ - một chuyên gia nam học và hiếm muộn hàng đầu Việt Nam - trực tiếp đến mổ cơ thể nạn nhân.
Giám đốc Vệ kể, khi đến nơi, anh N đã chết được 6 tiếng, tiến sĩ Vệ vô cùng lo lắng… Anh mạnh dạn rạch lấy một viên tinh hoàn bên phải, lấy 14 mẫu tinh trùng của nạn nhân đem cất giữ, bảo quản ở nhiệt độ -196 độ. 4 năm sau, bằng phương pháp thụ thai hiện đại, vừa qua, chị D đã sinh hạ hai bé trai xinh xắn, bụ bẫm, một cháu 2,4kg, một cháu 2,6kg. Các cháu sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đích tân TS Vũ Bá Quyết - phó giám đốc bệnh viện - đứng ra tiến hành phẫu thuật.
Chào đón một thành tựu y học lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, với tất cả sự kỳ diệu, màu nhiệm, cũng như ý nghĩa nhân văn to lớn của nó.
Theo Lao Động