Ủy ban nhân dân thành phố nhận được tờ trình số 601/TTr-SGDĐT ngày 11/3/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2022 – 2023.
Về việc này, UBND TP.Hà Nội đã đồng ý chủ trương theo đề xuất của Sở GD&ĐT về phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập không chuyên năm học 2022 - 2023 tại tờ trình số 601/TTr-SGDĐT ngày 11/3/2022.
Trước đó, trong tờ trình 601/TTr-SGDĐT, Sở GD&ĐT có nêu phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2022 – 2023
Số lượng học sinh tốt nghiệp
Theo đó, năm học 2021 - 2022, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020 - 2021).
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục;
10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.
Dự kiến số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT và chương trình giáo dục thường xuyên năm học 2022 - 2023 như sau
Tuyển vào trường THPT: khoảng 104.000 học sinh (tăng khoảng 14.000 học sinh so với năm học 2021 - 2022). Trong đó:
Các trường công lập tuyển khoảng 77.000 học sinh (tăng khoảng 10.000 học sinh so với năm học 2021 - 2022).
Các trường tư thục tuyển khoảng 27.000 học sinh (tăng khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2021 - 2022).
Tuyển vào trung tâm GDNN-GDTX: khoảng 12.900 học sinh (tăng khoảng 3.000 học sinh).
Số học sinh còn lại (khoảng 12.100 học sinh) vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Phương án tuyển sinh
Với phương thức thi tuyển, và tổ chức thi 03 bài thi độc lập, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ.
Các bài thi môn toán và ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/bài thi.
Bài thi môn ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc: 02 thí sinh liền kề không trùng mã đề; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS.
Đề thi môn toán và ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao; đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.
Mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Dự kiến thới gian thi trong khoảng thời gian từ ngày 10-20/6/2022 (có hướng dẫn cụ thể thông báo sau).
Về lý do chọn phương án 03 môn thi vì theo Sở GD&ĐT Hà Nội căn cứ thực tế tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp; học sinh lớp 9 THCS chuẩn bị kỳ thi chuyển cấp đã phải học trực tuyến hầu hết thời gian trong năm học.
Tổ chức thi tuyển 03 môn nhằm "tránh gây áp lực, quá tải đối với học sinh" theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại côngđiện số 136/CĐ-BGDĐT ngày 08/02/2022 về một số việc cần lưu ý khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản các trường THCS trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành công tác giảng dạy đối với học sinh lớp 9.
Hầu hết các thầy cô Hiệu trưởng trường THPT, Trưởng phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và Hiệu trưởng trường THCS đều đề xuất phương án tổ chức thi 03 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ.
Sở GD&ĐT đã tổ chức lấy ý kiến của 422 trường THPT, phòng GD&ĐT, trường THCS thì có 399 ý kiến đồng ý với phương án tổ chức thi 03 môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ, chiếm tỉ lệ 94,5%.