Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GTVT Hà Nội về việc chấm dứt hợp đồng thầu với Công ty TNHH Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) đối với 5 tuyến buýt có trợ giá (số 41, 42, 43, 44, 45).
Theo đó, UBND Tp. Hà Nội đã đồng ý với phương án 1 của sở này là sẽ chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt.
Đồng thời giao Sở GTVT Tp. Hà Nội triển khai thực hiện các trình tự, thủ tục; tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố những vấn đề vượt thẩm quyền; giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính hướng dẫn Sở GTVT tổ chức triển khai bảo đảm theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, Sở GTVT Tp. Hà Nội đã báo cáo UBND Tp. Hà Nội về việc Công ty Bắc Hà kiến nghị dừng khai thác hợp đồng đấu thầu đối với 5 tuyến buýt.
Theo Sở GTVT Tp. Hà Nội, ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của Công ty Bắc Hà, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội làm việc trực tiếp với đơn vị để rà soát, làm rõ các vấn đề liên quan cũng như đề xuất giải pháp xử lý.
Căn cứ các quy định hiện hành, Sở GTVT Tp. Hà Nội đưa ra 2 phương án xử lý.
Phương án 1, báo cáo UBND thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt (giá trị phân khối lượng công việc chưa thực hiện giao cho nhà thầu mới được tính bằng giá trị ghi trong hợp đông trừ đi giá trị của phân khối lượng công việc đã thực hiện trước đó).
Phương án 2: báo cáo UBND thành phố cho phép chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà, tạm dừng khai thác đối với 5 tuyến buýt để rà soát, tính toán lại dự toán, chi phí, thiết kế tuyến để hình thành gói thầu mới, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
“Nguyên tắc chung khi xem xét xử lý, về quan điểm cố gắng duy trì hoạt động của 5 tuyến buýt, hạn chế tối đa các xáo trộn ảnh hưởng đến mạng lưới tuyến buýt, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật.
Trên cơ sở nguyên tắc chung như đã nêu và phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án nêu trên, Sở nhận thấy phương án 1 là phương án có nhiều lợi thế, ưu điểm để triển khai thực hiện và nên xem xét, lựa chọn phương án này để phù hợp với thực tiễn hiện nay”, Sở GTVT Tp. Hà Nội kiến nghị.
Cũng theo Sở GTVT Tp. Hà Nội, đối với phương án 1, hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 10 đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Theo đó, với số lượng trên, việc xem xét lựa chọn một số đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng có đủ năng lực thực hiện phần công việc còn lại là rất thuận lợi và có tính khả thi cao.
Trên cơ sở đó, Sở kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép Sở chấm dứt hợp đồng với Công ty Bắc Hà và chỉ định thầu cho đơn vị thay thế có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu thực hiện phần công việc còn lại của gói thầu để tiếp tục khai thác vận hành 5 tuyến buýt.
Trước đó, ngày 30/6, Công ty TNHH Bắc Hà đề nghị Sở GTVT Tp. Hà Nội và các cơ quan liên quan chấp thuận cho ngừng khai thác 5 tuyến xe buýt mang số hiệu 41, 42, 43, 44, 45 kể từ ngày 1/8/2022 vì điều kiện bất khả kháng là bị thu hồi tài sản thế chấp là xe buýt đang vận hành trên tuyến, do không có khả năng thanh toán các khoản vay ngân hàng đến hạn và hết vốn lưu động.
Bắc Hà là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND Tp. Hà Nội từ năm 2005 đến nay. Sau gần 17 năm hoạt động, Công ty Bắc Hà đã quản lý vận hành 5 tuyến xe buýt số hiệu 41, 42, 43, 44, 45.