Chiều nay (18/6), đúng 14h các thí sinh bắt đầu làm bài thi tiếng Anh, đây là môn thi trắc nghiệm duy nhất của kỳ thi năm nay.
Tại điểm trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), là một trong 8 điểm trường của quận Ba Đình với số lượng thí sinh đông đảo. Sang đến môn thi thứ hai, các sĩ tử có phần tự tin và đã làm quen được với không khí căng thẳng, không còn nhận thấy sự lo lắng như bài thi buổi sáng.
Sau 60 phút làm bài, phần lớn các em đều thỏa mãn với phần làm bài của mình, nhiều em kỳ vọng sẽ đạt được điểm tuyệt đối. Phấn khởi về bài thi của mình, thí sinh Đỗ Minh Đức (THCS Nguyễn Tri Phương) cho biết: “Đề thi năm nay khá cơ bản, các câu hỏi ở mức trung bình so với những nội dung em đã ôn tập trước đó, chỉ cần bám sát kiến thức sách giáo khoa là có thể dễ dàng đạt điểm cao. Em hy vọng đây sẽ là môn thi gỡ điểm cho 2 môn còn lại của mình”.
Cũng cùng cảm xúc, bạn Nguyễn Vũ Phương Uyên (THCS Quảng An) chia sẻ: “Đề thi nằm trong nội dung đã được ôn tập từ trước, bám sát đề thi thử. Và chỉ có khoảng 4 câu là khó hơn so với những nội dung còn lại, nếu ôn tập chắc kiến thức sẽ rất dễ được điểm cao”.
Mặc dù vậy vẫn có số ít học sinh, điểm ở mức trung bình khá, em Lê Nhật Tuấn Minh (điểm thi THCS Nam Từ Liêm) tự đánh giá sẽ đạt điểm 7 cho phần làm bài của mình.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn trước phần tự đánh giá của các con, anh Trần Minh Tuấn (Giảng Võ, Hà Nội) bày tỏ: “Năm nay tỉ lệ chọi cao, nếu các con đều bảo được 9, 10 như vậy tôi rất lo lắng cho điểm trúng tuyển sắp tới. Vẫn cần có đáp án chuẩn thì mới có thể đánh giá chính xác”.
Năm nay, toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021).
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.
Theo số liệu, năm học này có tỉ lệ chọi cao kỷ lục so với những năm trước với cao nhất là với số tuyển sinh của một trường là 675 nhưng có tới 2048 học sinh đăng ký nguyện vọng 1 (NV1), tỉ lệ chọi là 3,03.
Như đã công bố trước đó của Sở GD&ĐT Hà Nội, tổng số nguyện vọng 1, 2 và 3 lần lượt là 106.000, 102.000 và 69.000. So sánh số nguyện vọng 1 với chỉ tiêu toàn thành phố, tỉ lệ trúng tuyển trường THPT công lập là 64,7%.
Trước việc cạnh tranh cao như vậy, nếu đề thi không phân hóa, điểm chuẩn năm nay có thể tăng mạnh, các sĩ tử dễ rơi vào trường hợp điểm tuyệt đối nhưng không đỗ nguyện vọng 1.
Đánh về đề thi năm nay, trao đổi với Người Đưa tin, cô giáo Nguyễn Minh Oanh, Fouder Hà Vũ English AZ đánh giá: “Đề thi phân bổ đều cho các dạng, đối với các phần từ vựng cần tìm nghĩa chỉ ở mức cơ bản, không đánh đố thí sinh, chỉ sử các từ bằng nghĩa đen.
Phần bài đọc ngắn và câu hỏi đơn giản không quá khó. Đối với các em ở khu vực Hà Nội được chú trọng ôn tập môn tiếng Anh thì rất dễ dàng được điểm cao”.
Theo quy định, mỗi học sinh được đăng ký thi vào lớp 10 tối đa 3 nguyện vọng, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Hữu Thắng - Hoa Trà