Mới đây, UBND TP. Hà Nội vừa ra văn bản tuyên truyền, muốn người dân ngừng ăn thịt chó vì ảnh hưởng đến văn minh đô thị, gây phản cảm với khách du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Thành phố mong muốn người dân thấy được ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với các động vật này.
Những quan điểm mà UBND TP. Hà Nội đưa ra đang có nhiều ý kiến tranh cãi, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa.
PGS.TS Lê Quý Đức cho biết: “Tôi cũng tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông mấy ngày gần đây. Tôi nghĩ, vấn đề này rất rộng, nó còn liên quan đến quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và tiêu dùng. Nuôi không chỉ là nuôi mà là chăn nuôi, chăm nuôi. Những con vật nuôi trong nhà như chó, mèo phải được giữ vệ sinh, được chăm sóc để cho nó sống hòa hợp, khỏe mạnh, không tấn công gia chủ, gây bệnh cho gia chủ.
Ngoài xã hội cũng cần quản lý nó để cho nó khỏi truyền bệnh, phóng uế, khỏi tấn công người. Bao nhiêu người bị dại, cắn, gây ra mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư khi chó thả dông, có cắn người…Chăm nuôi, bảo vệ, chăm sóc nó như thế nào mới là vấn đề nên quan tâm nhiều hơn.
Thế nhưng, thành phố Hà Nội lại nhấn mạnh đến việc không ăn thịt chó, nói cho đúng và chính xác là bỏ thói quen ăn thịt chó.
Họ đưa ra lý do, bỏ ăn thịt chó để đối xử có tính nhân văn, nhân đạo với động vật, không ảnh hưởng đến mỹ quan của người du lịch phương Tây.
Những lý do đó kể ra cũng chính đáng, nhưng theo tôi cái gọi là làm cho thành phố văn minh, hiện đại không phải là chuyện không ăn thịt chó. Mà thành phố văn minh, hiện đại còn liên quan đến nhiều vấn đề khác”.
Cũng theo PGS.TS Lê Quý Đức ăn thịt chó là một thói quen, hay cũng gọi là một yếu tố văn hóa. Theo quan niệm của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng thì thịt chó là một món khoái khẩu và có tính chất truyền thống từ bao đời này.
Việc ăn, giết mổ như thế nào cũng là vấn đề đã được bàn bạc nhiều lần. Vì thế, cũng không nên lấy con mắt của người phương Tây để nhìn hiện tượng văn hóa Việt Nam.
Có thể nói, người Việt cũng rất quý chó, thờ tượng chó ở cổng làng, cổng nhà, nơi tôn nghiêm. Nhưng xét cho cùng người Việt chưa bao giờ coi chó là người bạn thân thiết như phương Tây. Người Việt nuôi chó để trở thành phương tiện giữ nhà, bảo vệ cho gia chủ, bảo vệ cộng đồng.
Audio: Hà Nội cấm ăn thịt chó: Có phải thước đo của văn minh?
“Vì vậy cho nên việc vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó là việc khó. Không nên đứng trên quan điểm của người phương Tây để nhìn nhận người Việt Nam về vấn đề này. Tuy nhiên, nói cho cùng thói quen nào cũng có thể bỏ được.
Nếu như chứng minh được ăn thịt chó có hại cho sức khỏe, ăn thịt chó liên quan đến lợi ích cho người Việt thì vận động chắc hẳn nhiều người sẽ theo, hưởng ứng. Nhưng chưa chứng minh, phân tích và thay thế được món ăn ấy thì cuộc vận động này chỉ từ từ chứ chưa thể làm ngay được.
Trong tương lai cũng có thể bỏ dần, vì hiện nay có nhiều người nuôi chó, mèo theo văn hóa phương Tây, nhiều hội nuôi động vật trong nhà…”, PGS.TS Lê Quý Đức phân tích.